Hàng không Việt 'xoay xở' trong tâm bão Covid-19

Thứ tư, 16/12/2020 | 11:20 Theo dõi CFĐT trên

Đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, ngành hàng không là một trong những ngành nghề chịu thiệt hại nặng nề nhất đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới và hàng không Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.

hang-khong-viet
Những đề xuất hỗ trợ ngành hàng không đi qua bão Covid-19

Tác động của đại dịch Covid-19 đã ghi dấu ấn lên ngành hàng không trên thế giới cũng như ngành hàng không Việt Nam. Hàng không là một trong những lĩnh vực "xương sống" giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giao thông là mạch máu của nền kinh tế, mạch máu tắc nghẽn, nền kinh tế sẽ “đột quỵ”.

Ngành hàng không bị “tê liệt” bởi đại dịch Covid-19

Theo các chuyên gia kinh tế, ngành nghề chịu tác động đầu tiên bởi dịch Covid-19 là ngành hàng không. Đại dịch Covid-19 đã đẩy ngành công nghiệp vận tải hàng không thế giới vào giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hơn 100 năm thành lập và các hãng hàng không Việt Nam cũng không ngoại lệ. IATA dự báo năm nay sẽ trở thành "năm tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không".

hang-khong-viet-1
Ngành hàng không bị “tê liệt” bởi đại dịch Covid-19

Trong các ngành bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, ngành hàng không chịu ảnh hưởng theo hai góc độ riêng biệt. Ở góc độ trực tiếp, dễ nhận thấy nhất là nỗi sợ nhiễm bệnh. Không một ngành kinh doanh nào khác khiến người lao động phải tiếp xúc gần với người lạ trong nhiều giờ và có khả năng đưa người nhiễm bệnh từ lục địa này sang lục địa khác như ngành hàng không.

Ở góc độ ít trực tiếp hơn là tình trạng kinh tế suy giảm. Thông thường, sức khỏe của ngành hàng không gắn liền với GDP của một nền kinh tế. Khi nền kinh tế phát triển mạnh, người dân có nhiều tiền, họ sẽ bay nhiều hơn, nhưng khi kinh tế suy giảm, chẳng ai di chuyển và các hãng hàng không vì thế cũng ế khách dài hạn.

Trong quá khứ, thời kỳ xảy ra dịch SARS, hoạt động di chuyển bằng hàng không bị xem là rủi ro nhưng nền kinh tế toàn cầu không bị suy thoái. Hay trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, người dân cũng "thắt lưng buộc bụng" nhưng việc đi lại bằng máy bay không được xem là hoạt động rủi ro. Tuy nhiên, những điều này chỉ như một vết xước nhỏ nếu so với đại dịch Covid-19 trong năm 2020.

Covid đã đốt 41% giá trị vốn hóa của 116 công ty hàng không niêm yết, trị giá 157 tỷ Dollar. IATA ước tính giảm doanh thu 419 tỷ USD, lỗ hàng không 84 tỷ USD, và thế giới cần ba năm để khôi phục.

Trước đại dịch, hằng năm tăng trưởng của VJC đã đạt bình quân trên 30% đến năm 2019. Tích lũy VJC đã phục vụ 100 triệu hành khách, đóng góp thuế, phí, lệ phí tích lũy xấp xỉ 9.000 tỷ đồng.

Để tăng cường nguồn lực tài chính cho hàng không, Vietjet đã chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính tích luỹ trong nhiều năm. Doanh thu các hãng hàng không đã suy giảm trên 70% - 75% doanh thu và ảnh hưởng rất nhiều tới thanh khoản.

Tuy nhiên, Vietjet vẫn cố gắng duy trì việc làm cho 6.000 người lao động. Với chi phí nhân sự lớn hàng tháng, Vietjet đã giảm lương từ 50%-70% đối với quản lý cấp cao và cấp trung, đồng thời chi trả mức thu nhập tối thiểu từ 8 – 10 triệu đồng đối với người lao động khác.

Để hỗ trợ dòng tiền, Vietjet đã triển khai hàng loạt các giải pháp quyết liệt như mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển các dịch vụ phụ trợ (Ancillary), thẻ bay Power Pass, tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không Nội Bài, đồng thời Vietjet đã tích cực triển khai các chương trình tiết kiệm chi phí, giảm chi phí trên mỗi đơn vị giờ khai thác (block hour) từ 35% - 45% nhờ tối ưu hóa hoạt động khai thác. Với tình hình khó khăn hiện nay, ước tính Vietjet thiếu hụt 7.000 - 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.

Hàng không Việt chờ lực đẩy hỗ trợ từ Chính phủ

hang-khong-viet-2
Hàng không Việt chờ lực đẩy hỗ trợ từ Chính phủ

Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ của Chính phủ, thì các hãng hàng không đã đồng loạt áp dụng nhiều giải pháp mạnh mẽ mang tính chất đột phá để cắt giảm chi phí vận hành. Theo thông tin của VNA, hãng này đã thực hiện cắt giảm 1/3 nguồn lực lao động mặt đất. Riêng trong quý II vừa qua, số lao động giảm tới 56% so với kế hoạch, ngừng sử dụng phi công, tiếp viên nước ngoài và tiếp viên thuê ngoài; kịp thời điều chỉnh sản lượng phù hợp với nhu cầu thị trường. Với các giải pháp trên, dự kiến trong năm 2020, VNA sẽ cắt giảm được hơn 5.000 tỷ đồng do chủ động tiết kiệm.

Theo chuyên gia kinh tế PGS, TS Ngô Trí Long, ngoài sự nỗ lực của các hãng hàng không, sự hỗ trợ của Chính phủ đang được chờ đợi nó sẽ góp phần giảm áp lực, hỗ trợ hàng không Việt Nam hồi phục. Sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ trong việc giúp ngành hàng không hồi phục là vô cùng quan trọng và cấp thiết, bởi hàng không là một trong những lĩnh vực xương sống giúp thúc thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế.

Trong khi đó, mỗi năm các hãng hàng không nộp thuế và phí hơn 20.000 tỷ đồng. Có vốn hồi phục, các hãng sẽ trả được nợ, đóng góp nhiều cho ngân sách, cho xã hội, cho nền kinh tế, đặc biệt là ngành thương mại, du lịch. 

T.T
Cafe Khởi nghiệp