Nhiều chi phí tăng cao khiến doanh nghiệp thủy sản gặp khó

Chủ nhật, 31/01/2021 | 16:07 Theo dõi CFĐT trên
Các chi phí đội giá làm doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vô cùng đau đầu trong bài toán cân đối tài chính
Các chi phí đội giá làm doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vô cùng đau đầu trong bài toán cân đối tài chính

Theo Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngay từ đầu năm 2021, không chỉ cước phí tàu biển tiếp tục tăng phi mã, nhiều chi phí đầu vào cho sản xuất, chế biến thủy sản cũng tăng theo "chóng mặt". 

Hồi cuối tháng 12/2020, VASEP đã phải làm công văn kiến nghị lên Cục Hàng hải Việt Nam về việc các hãng tàu biển đang tăng giá cước, phụ phí thuê container và tình trạng thiếu container rỗng cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo thông tin được chia sẻ từ các doanh nghiệp ngành thủy sản, từ tháng 11/2020, các hãng tàu vận tải biển hầu hết đã thông báo tăng giá cước vận tải biển từ 2 - 10 lần với nhiều loại phụ phí (tuỳ chặng, tùy hãng). Dù vậy, các doanh nghiệp thủy sản vẫn rất khó hoặc không thể đặt được container rỗng hay không chen được vào các chặng tàu quan trọng do tình trạng khan hiếm container. Điều này đã tạo ra tình trạng khó khăn cục bộ, ùn ứ và chi phí lưu kho lưu bãi đội lên rất cao cho toàn ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Đến tháng 1/2021, VASEP tiếp tục phản ánh về việc cước tàu biển đi châu Âu tiếp tục tăng thêm từ 1,5 - 2,5 lần so với hồi tháng 12/2020 tùy vào từng chặng.

Nếu trong tháng 12/2020, giá cước đối với cảng chính là 2.850 USD/container thì bước sang tháng 1/2021 đã tăng lên đến 7.000 USD/container (tăng 145%). Một số hãng tàu thậm chí tăng từ 2.800 USD/container lên đến 10.550 USD/container (tăng 276%). Mặc dù tỷ lệ tăng giá cước không lớn như EU, nhưng tàu biển đi Mỹ vốn giá đã cao thì nay còn cao hơn nữa. Giá cước tàu vận chuyển đến Nhật Bản cũng tăng từ 50 - 100 USD/container. Đây là khó khăn rất lớn cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển của ngành thủy sản Việt Nam.

Các mặt hàng thiết yếu ở trong nước nhằm phục vụ cho hoạt động của các nhà máy thủy sản cũng đã tăng từ 8 - 25%. Các mặt hàng thiết yếu như băng keo, găng tay cao su, nhựa, cho tới bao bì, dầu nành, hóa chất... đều đang tăng giá ngay từ đầu năm.

Bên cạnh đó, trong năm 2020, do việc thay đổi hệ số điều chỉnh giá đất đã đẩy giá thuê đất của các doanh nghiệp tăng từ 2 - 4 lần so với trước. Cũng trong năm 2020, với nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19, nhưng toàn ngành đã có nhiều nỗ lực nhanh chóng khôi phục sản xuất và đang cố gắng gia tăng hoạt động xuất khẩu trong dịp cuối năm nhằm bù đắp những sụt giảm, đứt gãy trong giai đoạn đầu năm.

Do ảnh hưởng của COVID-19, VASEP cho biết, nhu cầu nhập khẩu hải sản tại các thị trường lớn trong đầu năm 2021 vẫn còn ẩn chứa nhiều bấp bênh, đi kèm là những khó khăn kể trên. Công suất của nhiều nhà máy cũng đã phải giảm đáng kể tùy theo các đơn hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp thủy sản hiện đang rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn ngay từ đầu năm 2021.

Viết Văn
Cafe Khởi nghiệp