Theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,7%.
Theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,7%.
Dự báo này về kinh tế Việt Nam được đưa ra trong báo cáo nghiên cứu toàn cầu do Ngân hàng Standard Chartered mới xuất bản gần đây mang tựa đề “Tiếp tục chống chọi với các thách thức” (Still battling headwinds) và báo cáo kinh tế vĩ mô chuyên sâu về Việt Nam mang tựa đề “Việt Nam - quay trở lại với mức tăng trưởng cao” (Vietnam - Moving back to high growth).
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ: “Nền kinh tế sẽ tiếp tục hồi phục trong năm 2022 khi tình hình dịch bệnh trên toàn cầu cải thiện. Tốc độ gia tăng thu nhập tại Việt Nam trong những năm gần đây cao hơn chi tiêu, từ đó mang đến một nguồn dự trữ tiết kiệm giúp chống chọi với đại dịch. Dịch COVID-19 tiếp tục là một rủi ro lớn, ít nhất trong ngắn hạn. Quý 1 là giai đoạn các nhà máy có thể sẽ quay trở lại hoạt động hết công suất cũng như chính phủ đưa ra chương trình kích thích kinh tế. Chúng ta có thể nhận thấy sự phục hồi một cách rõ dàng hơn trong tháng Ba năm nay.”
Theo các chuyên gia của Standard Chartered, môi trường thương mại toàn cầu được cải thiện sẽ hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 mặc dù nhập khẩu có thể sẽ vẫn tăng cao.
Lạm phát có thể sẽ trở thành một mối quan ngại đối với Việt Nam trong năm 2022. Các yếu tố về nguồn cung (giá cả hàng hóa cao hơn do tác đông của dịch bệnh) sẽ là nguyên nhân chính trong ngắn hạn. Nhu cầu sẽ gia tăng khi nền kinh tế tiếp tục hồi phục và phát triển. Tình hình dịch bệnh kéo dài có thể sẽ dẫn đến những rủi ro lạm phát do vấn đề nguồn cung. Dự báo, lạm phát của Việt Nam sẽ đạt lần lượt 4,2% và 5,5% trong năm 2022 và 2023.
Standard Chartered cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ duy trì lãi suất chính sách ở mức 4% trong năm 2022 để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cũng như kiểm soát lạm phát và có thể sẽ thực hiện bình thường hóa chính sách vào năm 2023, với việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 4,5% vào quý 4 năm 2023.
Trong năm 2021, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tính GDP năm 2021 tăng 2,58% (quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%) so với năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021 nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất của phần lớn cây trồng đạt khá so với năm trước, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản năm 2021 tăng cao góp phần duy trì nhịp tăng trưởng của cả khu vực. Ngành nông nghiệp tăng 3,18%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,88%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 1,73%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.
Đáng chú ý, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 6,21%, làm giảm 0,23 điểm phần trăm do sản lượng dầu mỏ thô khai thác giảm 5,7% và khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 19,4%. Ngành xây dựng tăng 0,63%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.