Mỹ đang nhanh chóng trở thành “miền đất hứa” của công nghiệp đào tiền ảo toàn cầu khi chiếm gần 17% tổng số thợ đào bitcoin trên thế giới.
Mỹ đang nhanh chóng trở thành “miền đất hứa” của công nghiệp đào tiền ảo toàn cầu khi chiếm gần 17% tổng số thợ đào bitcoin trên thế giới.
Từ trước khi Trung Quốc quyết định “khai tử” công nghiệp đào tiền ảo ở nước này, các mỏ Bitcoin ở Trung Quốc đã bắt đầu rời đi. Dữ liệu mới từ Đại học Cambridge cho thấy các mỏ tiền ảo có xu hướng dịch chuyển tới Mỹ.
Mỹ đang nhanh chóng trở thành “miền đất hứa” của công nghiệp đào tiền ảo toàn cầu. Tại thời điểm tháng 4/2021, Mỹ là địa chỉ đào tiền ảo lớn thứ nhì thế giới sau Trung Quốc, chiếm tỷ trọng khoảng 17%. Con số này đã tăng 151% so với thời điểm tháng 9/2020.
“Trong 18 tháng qua, chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của hạ tầng đào tiền ảo ở Mỹ”, nhà sáng lập Darin Feinstein của Blockcap and Core Scientific phát biểu. “Chúng tôi nhận thấy một sự gia tăng mạnh mẽ trong xu hướng dịch chuyển tới khu vực Bắc Mỹ của các mỏ, chủ yếu là tới Mỹ”.
Theo dữ liệu của Đại học Cambridge, trước khi Bắc Kinh siết lệnh cấm đối với hoạt động đào tiền ảo, nước này chiếm khoảng 46% tỷ lệ băm (harshrate – một thuận ngữ dùng để chỉ tổng năng lực điện toán của mạng lưới Bitcoin) toàn cầu. Con số này đã giảm mạnh từ mức 75,5% vào tháng 9/2019.
Fred Thiel của Marathon Digital cho biết: “500.000 giàn khai thác trước đây của Trung Quốc đang tìm nhà ở Mỹ. Nếu chúng được triển khai, điều đó có nghĩa là Bắc Mỹ sẽ có gần 40% hashrate toàn cầu vào cuối năm 2022”.
Sự nổi lên của Mỹ trong ngành đào tiền ảo vừa là sự may mắn, vừa là kết quả của sự chuẩn bị. Trong suốt nhiều năm, Mỹ đã âm thầm xây dựng hạ tầng phù hợp cho các mỏ tiền ảo. Từ trước khi các mỏ Bitcoin bắt đầu tìm đến Mỹ, các công ty ở nước này đã đặt cược rằng sẽ đến lúc các mỏ đến với nước này, nếu Mỹ có đủ hạ tầng. Sự đặt cược này đã mang lại kết quả.
Khi giá Bitcoin giảm sâu vào năm 2017 và thị trường tiền ảo bước vào một thời kỳ trầm lắng kéo dài suốt mấy năm, hầu như chẳng mấy ai quan tâm đến những mỏ đào tiền ảo lớn. Nhưng đó chính là lúc các công ty ở Mỹ tranh thủ cơ hội để xây dựng một hệ sinh thái đào tiền ảo.
“Những công ty đào tiền ảo quy mô lớn huy động vốn từ thị trường chứng khoán để thực hiện những vụ đầu tư lớn”, CEO Mike Colyer của Foundry, một công ty tiền số đã đưa số thiết bị đào tiền ảo trị giá 300 triệu USD vào Mỹ cho biết.
Những công ty như Core Scientific liên tục mở rộng hạ tầng để cung cấp dịch vụ chứa (host) các mỏ đào tiền ảo, nhờ đó có dư địa thoải mái để đón nhận những thiết bị mới, ông Colyer cho hay.
“Một tỷ lệ lớn thiết bị mới được sản xuất từ tháng 5/2020 đến tháng 12/2020 đã được vận chuyển tới Mỹ và Canada”.
Lượng tiền kích cầu khổng lồ mà Chính phủ Mỹ bơm ra để vực dậy nền kinh tế từ đại dịch Covid-19 cũng giúp ích nhiều cho ngành đào tiền ảo ở Mỹ.
“Một lượng tiền được in ra trong đại dịch cần có nơi để đầu tư” và đầu tư vào các mỏ đào tiền ảo là một cách, kỹ sư đào tiền ảo Brandon Arvanaghi nhận định.
Theo ông Colyer, xu hướng dịch chuyển của các mỏ đào tiền ảo từ Trung Quốc sang Mỹ bắt đầu từ đầu năm 2020. Từ trước khi Trung Quốc siết kiểm soát năm nay, vị thế thống lĩnh của nước này trong công nghiệp tiền ảo toàn cầu đã bắt đầu suy giảm.
Một trong những lý do khiến Mỹ được các mỏ tiền ảo lựa chọn là sự ổn định chính trị và pháp lý, cộng thêm chính sách bảo vệ tài sản trí tuệ tốt. Một điều quan trọng nữa là Mỹ có những nguồn điện năng dồi dào, giá rẻ, trong đó có nhiều nguồn năng lượng tái sinh. Các mỏ Bitcoin quy mô lớn phải cạnh tranh trong một ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp, nên phải dựa nhiều vào giá điện rẻ.