Nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ liên tiếp và bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, nhiều cổ phiếu buộc phải rời sàn HNX.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ liên tiếp và bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, nhiều cổ phiếu buộc phải rời sàn HNX.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo về việc hủy niêm yết cổ phiếu NGC của Công ty CP Chế biến Thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền do lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2020 ghi nhận hơn 31 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp (23 tỷ đồng).
Tại Báo cáo tài chính kiểm toán 2020 của NGC, các kiểm toán viên cũng cho rằng chưa xác định được tính hiện hữu, đúng đắn và khả năng thu hồi của các khoản công nợ gồm hơn 960 triệu đồng phải thu ngắn hạn và hơn 315 triệu đồng trả trước người bán ngắn hạn, hơn tỷ tỉ đồng khoản phải thu ngắn hạn khác tại ngày 31/12/2020.
Tương tự, HNX cũng có quyết định hủy niêm yết gần 6,5 triệu cổ phiếu S74 của CTCP Sông Đà (mã SJC) 7.04 từ ngày 3/6, ngày giao dịch cuối cùng là ngày 2/6 do thua lỗ trong 3 năm liên tiếp nên SJC thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.
Theo báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán, công ty báo lỗ năm 2020 là gần 2,15 tỷ đồng. Năm 2019, SJC lỗ 2,93 tỷ đồng và năm 2018 lỗ 2,934 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2020, vốn chủ sở hữu giảm hơn 2 tỷ từ 118,70 tỷ xuống 116,55 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lỗ 18,72 tỷ đồng.
Gần đây nhất, HNX thông báo chính thức về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu MPT của CTCP Tập đoàn Trường Tiền (HNX: MPT).
Cụ thể, hơn 17 triệu cổ phiếu MPT sẽ chính thức bị hủy niêm yết kể từ ngày 25/05. Do đơn vị kiểm toán đã từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2020 của công ty nên theo quy định của Luật Chứng khoán nên cổ phiếu MPT buộc phải bị hủy niêm yết.
Việc từ chối đưa ra ý kiến được đơn vị kiểm toán dựa trên cơ sở nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty do không thể xác định số dư hàng tồn kho cũng như khả năng thu hồi công nợ phải thu và công nợ phải trả.
Năm 2020, CTCP Tập đoàn Trường Tiền thực hiện được gần 14 tỷ đồng doanh thu thuần, lao dốc 91% so năm 2019. Thu không đủ bù chi cùng khoản lỗ từ hoạt động khác 1,4 tỷ đồng đã khiến tập đoàn lỗ ròng hơn 1 tỷ đồng, trong khi năm 2019 vẫn có lãi hơn 2 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, khi cổ phiếu bị huỷ niêm yết, bộ phận bị thiệt thòi nhiều nhất chính là các cổ đông nhỏ lẻ. Bởi hầu hết trước khi hủy niêm yết đều rơi vào tình trạng thị giá tụt dốc không phanh, mức giá thường dưới giá niêm yết rất nhiều, thanh khoản èo uột, nhiều cổ phiếu có khối lượng giao dịch bằng 0.
Cùng với đó, sàn HNX mới đây cũng vừa công bố một loạt cổ phiếu có nguy cơ phải hủy niêm yết do không nộp báo cáo tài chính kiểm toán 3 năm liên tiếp từ năm 2018-2020, bao gồm: VMI, SJC, NHP, DPS.
Cụ thể, CTCP Khoáng sản và Đầu tư Visaco (mã VMI); CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP (mã NHP-HNX); CTCP Đầu tư Phát triển Sóc Sơn (mã DPS-HNX) chưa nộp báo cáo tài chính năm có kiểm toán 3 năm liên tiếp từ năm 2018-2020;
Các cổ phiếu trên thuộc trường hợp bị huỷ bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
HNX đề nghị các công ty trên báo cáo giải trình theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Quy chế Niêm yết chứng khoán kèm theo Quyết định số 639/QĐ-SGDHN ngày 24/11/2017 sửa đổi, bổ sung Quy chế niêm yết chứng khoán của Tổng giám đốc HNX và văn bản giải trình và công bố thông tin gửi về HNX chậm nhất ngày 12/5 tới.
Đồng thời, HNX đưa cổ phiếu CTX của Tổng CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương Mại Việt Nam; cổ phiếu ACM của CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường; cổ phiếu LUT của CTCP Đầu tư Xây dựng Lương Tài vào diện bị cảnh báo từ ngày 10/5 tới do chậm nộp BCTC năm 2020 đã kiểm toán quá 15 ngày theo quy định tại điểm 1.6 khoản 1 Điều 13 Quy chế Niêm yết.
HNX sẽ có thông báo về việc đưa các cổ phiếu này ra khỏi diện bị cảnh báo khi công ty khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo theo quy chế niêm yết.