Nền kinh tế Mỹ đã phát đi tín hiệu cảnh báo rằng một cuộc suy thoái đang dần xuất hiện và Cục Dự trữ Liên bang có thể đang mắc phải một sai lầm chính sách khi nỗ lực kéo giảm lạm phát.
Nền kinh tế Mỹ đã phát đi tín hiệu cảnh báo rằng một cuộc suy thoái đang dần xuất hiện và Cục Dự trữ Liên bang có thể đang mắc phải một sai lầm chính sách khi nỗ lực kéo giảm lạm phát.
Cụ thể, theo Chỉ số Kinh tế Đi trước (LEI) của Conference Board, tình hình đã tồi tệ hơn vào tháng 9. LEI đã giảm thêm 0,4% so với tháng trước và 2,8% trong vòng 6 tháng.
Ataman Ozyildirim, Giám đốc Kinh tế cấp cao của Conference Board cho biết: “Chỉ số LEI của Mỹ đã giảm một lần nữa vào tháng 9 và quỹ đạo giảm liên tục của LEI trong những tháng gần đây cho thấy một cuộc suy thoái ngày càng có khả năng xảy ra trước cuối năm”.
Ông Ozyildrim lưu ý rằng, sự yếu kém của chỉ số đã “lan rộng” khi lạm phát leo thang cũng như bức tranh việc làm giảm tốc và điều kiện tín dụng thắt chặt đang tạo áp lực lên nền kinh tế.
Thông tin thêm, chỉ số LEI sử dụng 10 dữ liệu bao gồm giờ sản xuất, tỷ lệ thất nghiệp, giấy phép xây dựng, các chỉ số chứng khoán và chênh lệch lợi suất trái phiếu. Thông thường, LEI không được coi là một dữ liệu quá quan trọng. LEI là sự tổng hợp của nhiều dữ liệu đã được biết đến, bởi vậy thông tin mang lại không quá mới mẻ.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, chỉ số này mang lại nhiều ý nghĩa hơn thế.
Xu hướng lao dốc của LEI được ghi nhận trùng với thời điểm Fed cân nhắc tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa nhằm giảm thiểu lạm phát. Trong lịch sử, Fed thường nới lỏng chính sách khi triển vọng trở nên u ám hơn.
Thế nhưng, các quan chức đang nhấn mạnh rằng Fed phải mất một thời gian dài mới có thể hoàn thành việc tăng lãi suất.
Joseph LaVorgna, nhà kinh tế trưởng tại SMBC Capital Markets và là cựu Cố vấn Kinh tế cấp cao của Tổng thống Donald Trump, cho biết: “Fed đã chuyển từ quá dễ dãi sang thành thắt chặt một cách vô trách nhiệm. Khi những tín hiệu được phát đi để cho thấy nền kinh tế suy yếu, Fed thường sẽ không nâng lãi suất. Nhưng hiện tại, Fed không chỉ tăng mạnh lãi suất mà còn cam kết sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa”.
Những nghiên cứu của ông LaVorgna chỉ ra rằng, trong những lần các chỉ số hàng đầu sụt giảm, Fed đều ngay lập tức hạ lãi suất hoặc ngừng tăng. Vào đầu năm 2020, khủng hoảng tài chính 2008 và suy thoái đầu thế kỷ 21, Fed đều hành động nhanh chóng.
Xem thêm: Mỹ đủ mạnh để tránh được suy thoái kinh tế?
Ông LaVorgna lo ngại rằng việc Fed kiên quyết thắt chặt chính sách sẽ tạo ra hậu quả còn tồi tệ hơn trong tương lai.
LaVorgna cảnh báo: “Độ trễ chính sách sẽ khiến những ảnh hưởng từ động thái của Fed chưa được cảm nhận hoàn toàn. Đáng lo ngại là Fed vẫn chưa ngừng tăng lãi suất”.
Đồng quan điểm với LaVorgna, ông Barry Sternlicht, CEO Starwood Capital Group cho biết, Fed đang gặp rủi ro với "những tai họa không thể ngờ được nếu tiếp tục thắt chặt không chỉ tại Mỹ mà còn trên toàn cầu”.
Cho đến nay, dữ liệu lạm phát thực sự không ủng hộ Fed. Ngoài các chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thì chỉ số CPI “cố hữu” của Fed chi nhánh Cleveland đã tăng 8,5% vào tháng 9, tăng gần 1% từ mức 7,7% hồi tháng 8.
Lạm phát trong ngành dịch vụ đặc biệt kéo dài dai dẳng, tăng 7,4% trong tháng 9 từ mức 6,8% hồi tháng 8.
Hiện tượng này xảy ra khi nền kinh tế chuyển từ nặng về nhu cầu hàng hóa trong đại dịch Covid-19 sang dịch vụ. Các nhà phê bình cũng cho rằng, Fed đang theo dõi quá nhiều số liệu lạc hậu.
Ông Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng của LPL Financial cho biết: “Thách thức đối với Fed là việc lạm phát vẫn tiếp tục cao trong khi các chỉ báo sớm lại chỉ ra xu hướng ngược lại”.
Xem thêm: Thụy Sĩ “vay” Fed hơn 6 tỷ USD