Khi Armstrong và Aldrin cắm lá cờ Mỹ lên Mặt trăng, nhiều người tự hỏi liệu hành động này có giống việc các đế quốc Châu Âu khi xưa cắm cờ ở khắp các lục địa trên thế giới và tuyên bố đây là lãnh thổ của họ. Vậy thực sự thì Mặt trăng thuộc quyền sở hữu của ai, hay quốc gia nào?
Rõ ràng, các phi hành gia có nhiều điều quan trọng trong tâm trí hơn là suy nghĩ về ý nghĩa pháp lý và hậu quả của lá cờ được cắm xuống đất khi đó, nhưng may mắn là những vấn đề về mặt pháp lý đã được quan tâm trước khi nhiệm vụ không gian này được thực hiện.
Kể từ khi bắt đầu cuộc chạy đua không gian, Mỹ đã biết rằng, đối với nhiều người trên thế giới, việc nhìn thấy lá cờ Mỹ trên Mặt trăng sẽ làm dấy lên những vấn đề chính trị lớn. Nói một cách khác, bất kỳ gợi ý nào về việc Mặt trăng có thể trở thành một phần lãnh thổ hay một phần của vùng hậu thuẫn cho Mỹ cũng có thể gây ra những lo ngại, thậm chí có thể làm phát sinh các tranh chấp quốc tế có hại cho cả chương trình không gian của Mỹ và lợi ích của nước này nói chung.
Câu trả lời đơn giản cho câu hỏi liệu Armstrong và Aldrin, bằng một nghi lễ nhỏ của họ có biến Mặt trăng, hoặc ít nhất là một phần của nó, trở thành lãnh thổ của Mỹ hay không, thì câu trả lời là “Không”. Cả NASA cũng như chính phủ Mỹ đều không có dự định đó.
Quan trọng nhất, trong Hiệp ước Không gian bên ngoài năm 1967, mà cả Mỹ và Liên Xô cũng như tất cả các quốc gia theo đuổi không gian khác đã đi đến thống nhất, cả hai siêu cường đều đồng ý rằng “quá trình thuộc địa hóa” trên Trái đất là nguyên nhân gây ra đau khổ to lớn cho con người và nhiều cuộc xung đột vũ trang đã diễn ra trong nhiều thế kỷ qua.
Họ quyết tâm không lặp lại sai lầm đó của các cường quốc thuộc địa cũ của Châu Âu khi quyết định địa vị pháp lý của Mặt trăng. Ít nhất, sự thống nhất này có thể tránh được khả năng xảy ra một cuộc “chiếm đất” ngoài không gian làm phát sinh một cuộc chiến tranh thế giới khác. Bằng cách đó, Mặt trăng đã trở thành một thứ thuộc "sở hữu chung toàn cầu", có thể tiếp cận hợp pháp đối với tất cả các quốc gia.
Vì vậy, lá cờ Mỹ không phải là biểu hiện của việc tuyên bố chủ quyền, mà là để tôn vinh những người nộp thuế và kỹ sư Mỹ, những người đã thực hiện sứ mệnh như Armstrong, Aldrin và phi hành gia thứ ba Michael Collins.
Theo Frans von der Dunk, Giáo sư Luật không gian, ĐH Nebraska-Lincoln