Theo Bộ Xây dựng, từ trước tới nay, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.
Theo Bộ Xây dựng, từ trước tới nay, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.
Bộ Xây dựng nhận được văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị phối hợp trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kiên Giang gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV với nội dung kiến nghị: “Cử tri nhiều nơi trong tỉnh cho rằng: Chương trình hỗ trợ hộ nghèo có nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg đã giải quyết rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo khó khăn vay vốn để cất nhà ở, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều gia đình nợ quá hạn không còn khả năng trả nợ, đề nghị xem xét có chính sách xóa nợ cho người dân để ổn định cuộc sống”.
Về vấn đề này, theo Bộ Xây dựng, từ trước tới nay, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định hơn trong cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội. Trong giai đoạn 2009-2020, các hộ gia đình nghèo có khó khăn về nhà ở đã được nhà nước hỗ trợ theo các Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số nhà hỗ trợ khoảng 650.000 căn. Hiện nay, các chính sách hỗ trợ nhà ở theo các Quyết định trên đã hết thời hạn trả nợ vay hoặc đến thời hạn trả nợ vay. Tuy nhiên, có nhiều hộ nghèo nợ quá hạn không còn khả năng trả nợ như kiến nghị của cử tri tỉnh Kiên Giang.
Để giải quyết thực trạng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định, cụ thể: Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đối tượng áp dụng của Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg bao gồm các đối tượng được hưởng chính sách tín dụng về nhà ở tại các vùng theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội, lũy kế xóa nợ Chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ đến nay cụ thể như sau :
Chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn quốc là 172.349 triệu đồng, trong đó: số tiền gốc là 146.422 triệu đồng, lãi vay là 25.927 triệu đồng (riêng tại tỉnh Kiên Giang là 11.754 triệu đồng, trong đó: số tiền gốc là 9.521 triệu đồng, lãi vay là 2.233 triệu đồng).
Chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn quốc là 6.004 triệu đồng, trong đó: số tiền gốc là 5.709 triệu đồng, lãi vay là 295 triệu đồng (riêng tại tỉnh Kiên Giang là 308 triệu đồng, trong đó: số tiền gốc là 300 triệu đồng, lãi vay là 8 triệu đồng).