Trước thông tin trên phương tiện phản ánh thực trạng nhà đầu tư điện gió kêu cứu vì nguy cơ phá sản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương "kiểm tra ngay việc này và xử lý ngay nếu đúng".
Trước thông tin trên phương tiện phản ánh thực trạng nhà đầu tư điện gió kêu cứu vì nguy cơ phá sản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương "kiểm tra ngay việc này và xử lý ngay nếu đúng".
Thời gian vừa qua, báo chí liên tục phản ánh thực trạng khó khăn đối với các nhà đầu tư điện gió.
Trước đó, tại văn bản vừa gửi Thủ tướng và các bộ ngành liên quan, Công ty cổ phần điện gió Hanbaram cho hay, đến ngày 31/10/2021, Nhà máy Điện gió Hanbaram đã hoàn thành thi công, lắp đặt và kết nối 29/29 trụ tuabin; hoàn thành toàn bộ đường dây và trạm biến áp đấu nối lên hệ thống lưới điện quốc gia; đang thực hiện thử nghiệm kỹ thuật toàn bộ và COD các trụ tuabin.
Việc không kịp về đích trong ngày 31/10/2021 được cho là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam đã gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Vì lý do bất khả kháng này nên dù đã rất cố gắng, nhưng chỉ có 6/29 trụ (20% công suất) điện gió của Công ty kịp vận hành thương mại (COD) trước thời điểm 31/10/2021 để hưởng giá FIT ưu đãi.
Đáng nói là 23 trụ (80%) còn lại dù đã hoàn thành việc đầu tư nhưng hiện chưa được COD do chưa có chính sách tiếp theo cho điện gió từ ngày 1/11/2021.
Trong khi đó, thiết bị, phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng đã được nhập khẩu và đưa về cảng Cát Lái từ tháng 5/2021, tuy nhiên do TP.HCM thực hiện phong tỏa hoàn toàn dẫn tới thiết bị, phương tiện vận chuyển đến tháng 9/2021 mới ra được khỏi Cảng và phải chịu tăng chi phí lưu kho, lưu bãi.
Đội ngũ công nhân và nhân viên vận hành thiết bị hay phục vụ lắp đặt đều bị mắc kẹt, thậm chí có người cũng bị nhiễm bệnh khi bị kẹt tại TP.HCM khi chờ lấy hàng. Cạnh đó, quá trình vận chuyển thiết bị phải đi qua nhiều địa phương mà Covid-19 bùng phát liên tục nên việc huy động nhân lực cũng như lên kế hoạch vận chuyển gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội, cách ly tập trung đối với các trường hợp F1 hoặc đi từ vùng dịch về …
Cũng do thiết bị của dự án nhập khẩu 100%, việc bảo mật công nghệ và lắp đặt phụ thuộc lớn vào chuyên gia, kỹ sư cao cấp do hãng cung cấp điều động. Trong khi đó, từ cuối năm 2020 đến nay, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chuyên gia của nhà thầu thiết bị gặp khó khăn trong việc vào Việt Nam do việc xin cấp VISA rất phức tạp, các chuyến bay quốc tế không có hoặc rất hạn chế. Thời gian di chuyển của chuyên gia nước ngoài tới công trường dự án tăng hơn gấp đôi, từ 6 tuần lên đến 10 tuần.
Những khó khăn của dịch bệnh đã tác động dây chuyền tới việc thi công, dẫn tới thực tế đến ngày 31/10/2021 vẫn không thể làm thử nghiệm và COD kịp thời các trụ còn lại.
Hay như Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phong điện Gia Lai, dù đã hoàn thành thi công, lắp đặt và kết nối 25/25 trụ tuabin cùng nhiều hạng mục để đi vào vận hành nhưng cũng cho rằng, bởi tác động của dịch bệnh trước đó nên cuối cùng chỉ có 1/25 trụ điện gió kịp COD đúng hẹn…
Sau khi các phương tiện phản ánh thực trạng nhà đầu tư điện gió kêu cứu vì nguy cơ phá sản nói trên, ngày 30/3/2022, Văn phòng Chính phủ ban hành công văn số 1943/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: "giao Bộ Công Thương kiểm tra ngay việc này và xử lý ngay nếu đúng".