Áp lực từ mục tiêu giảm phát thải và giá than tăng mạnh khiến nguồn cung điện của Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Bắc Kinh đã tìm ra "kẻ phản diện" cản trở những nỗ lực kiềm chế giá năng lượng: các ngành công nghiệp khát năng lượng, kém hiệu quả.
Áp lực từ mục tiêu giảm phát thải và giá than tăng mạnh khiến nguồn cung điện của Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Bắc Kinh đã tìm ra "kẻ phản diện" cản trở những nỗ lực kiềm chế giá năng lượng: các ngành công nghiệp khát năng lượng, kém hiệu quả.
Lũ lụt tại tỉnh sản xuất than lớn Sơn Tây đã đẩy giá lên 1.508 nhân dân tệ/tấn (234 USD) ngay cả khi chính phủ cố thúc đẩy tăng sản lượng. Rõ ràng Bắc Kinh cần các biện pháp khác để ngăn chặn việc có thêm nhiều máy phát điện dừng tua bin và gây mất điện do giá lạnh giữa mùa đông. Giải pháp được đưa ra là chấn chỉnh mạnh tay các nhà máy tiêu thụ phần lớn sản lượng điện của đất nước.
Công nghiệp chỉ chiếm khoảng 25% nhu cầu điện năng tại Mỹ, nhưng ở Trung Quốc con số này là 59% - nhiều hơn tất cả hộ gia đình, văn phòng và cửa hàng nhỏ lẻ cộng lại.
Năng lượng rẻ là công cụ thiết yếu cho phát triển kinh tế, và từ lâu chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các người dùng lớn với biểu giá điện càng rẻ khi tiêu dùng càng nhiều. Với khoảng 2/3 lưới điện được cấp năng lượng từ than, chi phí khai thác than quyết định hóa đơn năng lượng của các công ty công nghiệp.
Vấn đề là than sẽ không thể rẻ đi. Khi hàng loạt mỏ than bất hợp pháp và nguy hiểm bị đóng cửa, chi phí sản xuất than đã tăng 40% trong 2017. Chi phí này không thực sự giảm đi cho đến khi Covid-19 ập đến, và kể từ đó đã leo lên 57% trong vòng 12 tháng tính đến tháng 8.
Sự gia tăng này có thể chấp nhận được nếu các nhà máy dùng năng lượng để chế tạo hàng hóa giá trị cao – nhưng thực tế thì không được như vậy. Trung Quốc hiện tiêu thụ nhiều điện hơn Anh và Italy tính theo bình quân đầu người, nhưng kém xa về mặt sản lượng kinh tế.
Với quyết tâm đạt mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình là trung hòa carbon trước năm 2060, các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đã xác định những lĩnh vực "cao kép" – tức là mức tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon đều lớn - là thủ phạm. Chúng bao gồm rất nhiều ngành đã tăng trưởng chóng mặt trong những thập kỷ gần đây, ví dụ như xi măng, thép, kim loại cơ bản, lọc dầu, hóa chất và thủy tinh.
Tổng cộng, những ngành này tạo ra hơn một nửa khí thải của Trung Quốc.
Trong tuần này, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã ban hành các quy tắc sửa đổi. Theo đó, người tiêu dùng dân cư và nông nghiệp sẽ tiếp tục mua điện với mức giá cố định. Trong khi đó, toàn bộ gánh nặng chi phí của các nhà máy phát điện sẽ được chuyển sang cho những ngành "cao kép".
Ông Wan Jinsong, Trưởng phòng Giá cả thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết biện pháp này sẽ giảm áp lực nhu cầu lên lưới điện và khuyến khích những ngành kém hiệu quả nâng cấp để tạo ra thêm giá trị.
Khoảng một nửa kim loại trên thế giới được sản xuất ở Trung Quốc và 1/5 lượng dầu được tinh luyện ở quốc gia này. Giá các sản phẩm tiêu tốn năng lượng - từ nhôm, tấm pin mặt trời cho đến Bitcoin - phụ thuộc vào biểu giá năng lượng công nghiệp thấp của Trung Quốc.
Với việc chi phí điện cho các ngành công nghiệp "cao kép" gia tăng, áp lực lạm phát của toàn thế giới có thể theo đó mà đi lên. Hậu quả thế giới phải chịu từ những mỏ than bị ngập ở Sơn Tây có thể vẫn chưa chấm dứt.