Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trường hợp dự án đầu tư có sử dụng đất, bao gồm dự án đô thị, nhà ở thương mại thuộc diện Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư dự án; hoặc trường hợp dự án đầu tư có sử dụng đất, bao gồm dự án đô thị, nhà ở thương mại cho phép nhà đầu tư được tự thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.
Trường hợp Nhà nước thu hồi đất dự án đầu tư có sử dụng đất, bao gồm dự án đô thị, nhà ở thương mại là “quan hệ hành chính” thì phải thực hiện “quy trình hành chính” về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi theo quy định của pháp luật về hành chính.
Trường hợp nhà đầu tư được tự thỏa thuận với người sử dụng đất trong việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án là “quan hệ dân sự” theo quy định của pháp luật về dân sự.
Theo đó, Hiệp hội đề nghị bỏ quy định Nhà nước thu hồi đất đối với “5. Các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý” tại khoản 5 Điều 70 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và nhà đầu tư có trách nhiệm tiếp tục thực hiện phương thức tự thỏa thuận với người dân để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất còn lại để tạo lập quỹ đất đầu tư, do nhà đầu tư đã tự nguyện lựa chọn phương thức này.
Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 80% người dân và 80% diện tích đất dự án trở lên, nhưng không thể thỏa thuận để nhận chuyển nhượng phần diện tích đất còn lại dẫn đến việc giải phóng mặt bằng “dở dang”, Hiệp hội đề nghị xem xét thực hiện một trong 02 giải pháp để xử lý, như sau:
Giải pháp 1: Đề nghị Nhà nước xem xét cho phép nhà đầu tư được điều chỉnh ranh đất dự án trong phạm vi phần đất đã giải phóng mặt bằng và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Giải pháp 2: Trong trường hợp không thực hiện được Giải pháp 1 thì đề nghị Nhà nước thực hiện quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 65 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với “dự án tái điều chỉnh đất đai để chỉnh trang và đô thị, khu dân cư nông thôn”, đặc biệt là thực hiện phương thức “góp vốn bằng quyền sử dụng đất” quy định tại Điều 68 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), hoặc phương thức người sử dụng đất “góp quyền sử dụng đất” quy định tại khoản 4 Điều 169 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong trường hợp này thì tổ chức kinh tế đã có quyền sử dụng đất cũng phải chấp hành, thực hiện quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tương tự như các người sử dụng đất khác trong khu vực dự án; Tổ chức kinh tế đã có quyền sử dụng đất có quyền tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư “dự án tái điều chỉnh đất đai để chỉnh trang và đô thị, khu dân cư nông thôn”.
(Ghi chú: Quy định “80% người dân đồng ý” là chưa chặt chẽ, bởi lẽ “80% người dân đồng ý” có thể chỉ chiếm phần nhỏ diện tích dự án; trong lúc “20% người dân không đồng ý” có thể chiếm tỷ lệ diện tích lớn hơn).
Hiệp hội đề nghị thực hiện song song cơ chế Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp “dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại” quy định tại điểm h khoản 2 Điều 70 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và bổ sung cơ chế cho phép “nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại” vào khoản 1 Điều 68 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định cụ thể về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất (…); Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.
Hiệp hội đề nghị hoàn thiện khoản 1 Điều 68 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), như sau:
“1. Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 69 và Điều 70 của Luật này mà không thuộc trừ trường hợp dự án đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư nhà đầu tư là người đang sử dụng đất hoặc là người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật”.
Hiệp hội đề nghị bổ sung khái niệm “tái điều chỉnh đất đai (Land Re-Adjustment Project - LRP)”, bởi lẽ điểm đ khoản 2 Điều 65 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ sử dụng khái niệm “điều chỉnh đất đai” nên chưa thật rõ nghĩa để xây dựng hoàn thiện điểm đ khoản 2 Điều 65 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), như sau:
“đ. Dự án tái điều chỉnh đất đai để chỉnh trang và đô thị, khu dân cư nông thôn”.
(Ghi chú: Khoản 6 Điều 65 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định “6. Chính phủ quy định chi tiết điều này” thì Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc thực hiện phương thức “tái điều chỉnh đất đai” sau khi Luật Đất đai (mới) có hiệu lực).