Tính chung các giải pháp thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được ban hành, thực hiện năm 2021 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với số tiền gần 140 nghìn tỷ đồng.
Tính chung các giải pháp thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được ban hành, thực hiện năm 2021 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với số tiền gần 140 nghìn tỷ đồng.
Sáng ngày 15/12/2021 tại Hà Nội, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Thuế - Hải quan 2021 với chủ đề “Chính sách thuế - hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Chia sẻ tại Diễn đàn, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội của nước ta. Chính phủ, các bộ ngành và các cấp chính quyền đã sát sao đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa ưu tiên phòng chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát huy tinh thần yêu nước, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp biến thách thức thành cơ hội, tạo động lực cho phát triển và tái khởi động nền kinh tế đất nước.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, Tổng cục Thuế đã tham mưu, trình Bộ Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó với đại dịch Covid -19. Hàng loạt cơ chế, chính sách đã được cấp có thẩm quyền ban hành như: Chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ ước tính khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền thuế (gồm thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN) và tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế (gồm thuế BVMT, thuế nhập khẩu), phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 3 nghìn tỷ đồng.
Vừa qua, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, Tổng cục Thuế cùng với các vụ, đơn vị của Bộ Tài chính đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, qua đó giảm nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp, tổ chức khoảng 700 tỷ đồng;
Trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 để quy định và hướng dẫn thực hiện các giải pháp về miễn, giảm thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong số 04 giải pháp mới được ban hành với tổng giá trị hỗ trợ gần 20 nghìn tỷ đồng thì có 03 giải pháp về miễn, giảm thuế lần đầu được áp dụng kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra như: giảm mức thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ trong các ngành nghề chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; miễn thuế phải nộp phát sinh trong quý III và quý IV đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020; ngoài ra, vẫn tiếp tục giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2021 cho doanh nghiệp có doanh thu giảm hơn so với năm trước và không quá 200 tỷ đồng.
Như vậy, tính chung các giải pháp thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được ban hành, thực hiện năm 2021 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với số tiền gần 140 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo Tổng cục Thuế, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2021 nhưng kết quả thu ngân sách Nhà nước 11 tháng do cơ quan thuế thực hiện ước đạt 1.180 nghìn tỷ đồng, bằng 105% so với dự toán, bằng 108% so cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 38.104 tỷ đồng, bằng 164,2% so với dự toán, bằng 120% so với cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 1.135.587 tỷ đồng, bằng 103,8% so với dự toán, bằng 107,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và điều kiện thực tế; tổng kết, đánh giá hiệu quả các chính sách đã thực hiện để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ phù hợp. Ngành Thuế cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá công tác quản lý thuế nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.