Hai tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu gần 1.3 tỷ USD

Thứ hai, 01/03/2021 | 10:28 Theo dõi CFĐT trên

Theo số liệu mà Tổng cục Thống kê mới công bố, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 2 tháng đầu năm 2021 đã đạt mức tăng trưởng cao. Ước tín, cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt xuất siêu 1,29 tỷ USD.

Hai tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu gần 1.3 tỷ USD
Hai tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu gần 1.3 tỷ USD

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước tính đạt 20 tỷ USD trong tháng 2/2021, giảm khoảng 29,9% so với tháng 1 trước đó. Khi với cùng kỳ năm 2020, cũng giảm khoảng 4,7%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 15,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm cả dầu thô giảm 1%.

Dù vậy, khi tính chung kim ngạch xuất khẩu của 2 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch đạt khoảng 48,55 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 2 tháng đầu năm, có 9 mặt hàng của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm đến 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. 9 loại mặt hàng này bao gồm: Hàng dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; sắt thép và thủy sản; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện tử, máy tính và linh kiện.

Theo số liệu, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản cũng tăng trưởng nếu so với cùng kỳ năm 2020 như: Rau quả xuất khẩu đạt 610 triệu USD, tăng 14,6%; cao su, hạt điều và chè tăng lần lượt là 109,7%, 21,5% và 9,7%. Ở chiều ngược lại, cà phê xuất khẩu đã giảm 15,7%, bên cạnh đó xuất khẩu gạo cũng giảm 18,3%.

Lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tới các thị trường chính đều tăng. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với quy mô đạt 14,2 tỷ USD, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Xếp sau là thị trường Trung Quốc đạt 8,5 tỷ USD (tăng 54,3%), thị trường Châu Âu đạt 6,3 tỷ USD (tăng 22,7%), các nước trong khối ASEAN đạt 4,2 tỷ USD (tăng 6,2%), Hàn Quốc đạt 3,4 tỷ USD (tăng 16,8%), Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD (tăng 3%).

Tương tự, tăng trưởng nhập khẩu cũng chủ yếu là nhóm FDI, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đã nhập khẩu hơn 15,6 tỷ USD hàng hóa, tăng 16%. Bên cạnh đó, khu vực FDI đã nhập khẩu hơn 31,6 tỷ USD hàng hóa, đạt mức tăng 31,4%.

Về cơ cấu hàng hóa, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm gần 94% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 26,4%. Nhóm hàng tiêu dùng chiếm tổng cộng 6,3% kim ngạch nhập khẩu, ước đạt gần 3 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng ký 2020.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch hai tháng đạt 17,3 tỷ USD, tăng gần 86% so với cùng kỳ năm trước. Xếp sau là Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, EU và Mỹ.

Về thương mại trong nước, tổng mức bán lẻ và doanh thu đến từ dịch vụ tiêu dùng trong tháng 2 ước tính đạt 439.700 tỷ đồng, giảm nhẹ khoảng 5,4% so với tháng 1. Tính chung cả hai tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu đến từ dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 904.500 tỷ đồng, tăng gần 5,5% nếu so với cùng kỳ năm 2020 khi loại trừ yếu tố giá tăng 5,52%.

Viết Văn
Cafe Khởi nghiệp