Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có công văn hoả tốc gửi các địa phương về việc hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ gói 26.000 tỷ đồng.
Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có công văn hoả tốc gửi các địa phương về việc hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ gói 26.000 tỷ đồng.
Về các chính sách hỗ trợ lao động và người sử dụng lao động, Nghị quyết 68 gồm 12 chính sách quy định rõ các đối tượng cũng như mức hỗ trợ: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc…
Theo Quyết định 23, người lao động trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được nhận tiền hỗ trợ 1 lần với mức thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất là 3,71 triệu đồng/người từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Cụ thể:
Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5 đến hết 31/12/2021, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, sẽ được hỗ trợ 1 lần bằng tiền mặt.
Thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương của người lao động tính từ ngày 1/5 đến hết 31/12/2021.
Mức hỗ trợ 1 lần như sau: Người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng mức 1,855 triệu đồng/người; từ 1 tháng trở lên mức 3,71 triệu đồng/người.
Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo Khoản 3 Điều 99 bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1/5 đến hết ngày 31/12/2021, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc được hỗ trợ 1 lần với mức 1 triệu đồng/người.
Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động do phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5 đến hết ngày 31/12/2021, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng/người.
Đối với lao động nữ mang thai bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ngoài được nhận hỗ trợ 1 lần, sẽ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người.
Lao động đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha.
Lưu ý tất cả những lao động này đều đã tham gia đóng BHXH.
Trẻ em phải điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được ngân sách nhà nước đảm bảo các chi phí điều trị và tiền ăn theo quy định, được ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27/4 đến hết ngày 31/12/2021.
Theo đó, đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5 - 31/12/2021 sẽ được hỗ trợ 1 lần 3,71 triệu đồng/người
Dự kiến nhóm này có khoảng 2.000 người thuộc gần 100 đơn vị nghệ thuật biểu diễn.
Hướng dẫn viên (HDV) được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đủ các điều kiện: Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên các Hiệp hội về hướng dẫn du lịch; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với HDV du lịch tại điểm.
Hạn cuối nộp hồ sơ là 31/1/2022, nếu đủ hồ sơ trong thời gian trên cũng được trợ 1 lần là 3,71 triệu đồng/người. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, có hơn 26.000 HDV cón thẻ còn hiệu lực.
Nhóm hộ kinh doanh được hỗ trợ với các điều kiện sau: Có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5 đến ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19.
Mức hỗ trợ cho hộ kinh doanh là 3 triệu đồng/hộ và lĩnh 1 lần, được trích từ Ngân sách nhà nước.
Đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0) từ ngày 27/4 - 31/12/2021 được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày. Thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày.
Người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ ngày 27/4 đến ngày 31/12/2021, được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày. Thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày.
Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác sẽ do địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần, hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.