Một căn nhà 52m2 ở phố Nguyễn Khoái (quận Hoàng Mai, Hà Nội) sau khi qua tay 3 nhà đầu tư, giá đã bị đẩy lên gần 1 tỷ đồng chỉ trong vòng một tháng.
Một căn nhà 52m2 ở phố Nguyễn Khoái (quận Hoàng Mai, Hà Nội) sau khi qua tay 3 nhà đầu tư, giá đã bị đẩy lên gần 1 tỷ đồng chỉ trong vòng một tháng.
Chị Nguyễn Ngọc Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện mua nhà “hụt” của mình khiến ai cũng phải giật mình vì chỉ sau vài cú sang tay, giá nhà đã đội lên gần 1 tỷ đồng. Chị Mai kể lại, giữa tháng 4/2022, chị tìm mua nhà ở khu vực Nguyễn Khoái, phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai). Sau nhiều ngày tìm kiếm, chị Mai ưng ý một căn nhà 5 tầng, diện tích 52m2, giá chủ chốt là 5,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi vừa đến gặp chủ để đặt cọc thì chị Mai thất vọng vì đã có người vừa đặt mua. Đáng nói là, ngay sau đó, chủ mới đã liên hệ chị Mai để bán lại với giá 5,6 tỷ đồng. Vì quá ưng căn nhà nên chị Mai đề nghị cho suy nghĩ thêm rồi sẽ trả lời. Tuy nhiên, ít ngày sau khi chị Mai liên hệ lại để định thương lượng giá thì người chủ này trả lời: “Căn nhà đã bán rồi, nếu cần sẽ cho số chủ mới”. Tiếp tục liên hệ, chị Mai không khỏi sốc khi giá căn nhà đã lên tới 6,2 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau chưa đầy 30 ngày, giá căn nhà mà chị Mai định mua đã tăng 1 tỷ đồng.
Giống chị Mai, chị Lê Thùy Liên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng không khỏi sốc khi đi tìm mua nhà. Theo đó, 1 căn nhà 30 m2 tại phố Thanh Lân (quận Hoàng Mai) khi chị hỏi lần đầu tiên có giá 2,1 tỷ đồng. Nhưng vì căn nhà này bị lỗi phong thuỷ đường đâm nên chị vẫn lưỡng lự. Sau 1 tuần suy nghĩ, chị Liên quyết định mua vì vị trí và giá tiền của căn hộ hợp lý với nguồn tài chính của chị. Tuy nhiên, lúc này căn nhà đã được một người mua lại và đẩy giá lên 2,3 tỷ đồng.
Dù rất tiếc tiền, nhưng so với mặt bằng giá khu vực, 2,3 tỷ đồng vẫn là mức giá phù hợp nên sau vài ngày suy nghĩ, chị Liên vẫn quyết định xuống tiền. Nhưng cũng như lần trước, một nhà đầu tư khác đã mua lại căn hộ này và bán giá 2,7 tỷ đồng. Chỉ sau một thời gian ngắn, căn nhà này đã tăng giá 600 triệu đồng. “Tôi rất sốc khi đi mua nhà. Một căn nhà không có gì thay đổi nhưng chỉ trong hơn chục ngày đã qua tay 2 môi giới và giá tăng 600 triệu đồng. Cò cứ thổi giá như thế này, người mua rất khó mua nhà”, chị Liên nói.
Thực tế thời gian qua, trên thị trường bất động sản có rất nhiều căn nhà ở Hà Nội đã tăng giá chóng mặt. Đơn cử một căn nhà ngõ 17 Nam Dư (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) cũng được đẩy giá từ mức 3 tỷ đồng lên 3,7 tỷ đồng rồi 3,9 tỷ đồng và hiện đã chuyển nhượng ở mức 4,6 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, giới đầu cơ dùng mọi chiêu trò, tối đa hóa lợi ích, ôm hàng, găm hàng và dẫn đến những hậu quả tai hại cho thị trường, quy hoạch. "Người mua có nhu cầu thật cũng không mua được vì giá quá cao. Người bán thì không bán được nhưng vẫn đưa ra giá trên trời, lúc đó sẽ gây nên tình trạng bong bóng", chuyên gia Lê Xuân Nghĩa từng cảnh báo.
Cũng theo vị chuyên gia này, giá bất động sản ngay sau đợt sốt cũng không chịu giảm mạnh, nhiều nơi vẫn đang cao ngất. Do đó, cần có các biện pháp giải quyết triệt để, không chỉ đơn thuần cứ mỗi lần "sốt" thì lao vào "dập".
Chủ tịch Hội môi giới Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng, về lâu dài, cần tháo gỡ ách tắc, vướng mắc, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu chính đáng của thị trường, tránh để tình trạng cung cầu lệch lạc, mất cân đối kéo dài. Còn về giải pháp trước mắt để xử lý những cơn sốt đất đang "đe dọa" thị trường, các địa phương phải sớm vào cuộc, có những biện pháp mạnh tay làm giảm hoạt động giao dịch, kiên quyết xử lý các vi phạm./.