Thị trường xăng dầu thế giới sốt đã tác động trực tiếp tới giá xăng dầu trong nước và sẽ tạo áp lực đối với sản xuất, tiêu dùng, cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Thị trường xăng dầu thế giới sốt đã tác động trực tiếp tới giá xăng dầu trong nước và sẽ tạo áp lực đối với sản xuất, tiêu dùng, cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Giá xăng dầu trong nước tăng là một trong các yếu tố khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 vừa qua tăng 0,19% so với tháng trước.
Các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, thị trường xăng dầu thế giới còn biến động khi nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, một mặt bằng giá mới có thể sẽ được thiết lập.
Chỉ trong một thời gian ngắn, giá xăng dầu trong nước tăng 3 lần liên tiếp và đạt mức cao nhất tính trong 8 năm trở lại đây. Giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã vượt 25.000 đồng/lít với mặt hàng RON 95. Vận tải hàng hóa, vận tải hành khách là đối tượng chịu ảnh hưởng nhanh, trực tiếp nhất.
"Đối với vận tải, gá xăng là chiếm tới 30 - 40% cấu thành giá. Giá xăng dầu tăng cao thì các nguồn hàng vật tư để thay thế cũng sẽ bị lên giá. Đối với người lao động, không đủ đảm bảo giá cước. Lương không đủ để chi phí", Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết.
Không chỉ tác động mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hóa, hành khách đường bộ, đường thủy và đường hàng không, mà giá xăng dầu tăng cao còn tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước và tạo áp lực lên lạm phát.
Khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm tổng sản phẩm quốc nội GDP giảm khoảng 0,5%, đây là mức giảm khá lớn. Điều đó cho thấy giá xăng dầu tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế hiện nay, các nhà máy lọc dầu trong nước đã đáp ứng được 75% nhu cầu xăng dầu trong nước, do đó cần tăng cường sản xuất để dự trữ, cân đối phục vụ cho thị trường xăng dầu, giảm lệ thuộc vào giá của thế giới.
"Những doanh nghiệp lớn và nhất là những doanh nghiệp nhà nước, theo quy định phải có dự trữ 20%, nhưng hiện nay cũng đã dự trữ tới 25%. Chúng tôi khẳng định nguồn cung xăng dầu tổng thể trên toàn quốc vẫn đáp ứng đảm bảo đủ cho hoạt động sản xuất kinh doanh", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định.
"Sử dụng kịp thời, hiệu quả quỹ bình ổn để giá xăng dầu không tăng cao theo nhịp của thế giới, đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế dài hạn hơn. Một giải pháp cũng rất quan trọng đó là Bộ Công Thương cùng các bộ ngành liên quan cần trình với Chính phủ làm sao tăng khả năng khai thác và khả năng lọc dầu để chúng ta chủ động hơn nữa nguồn cung", TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nói.
Xăng dầu có tầm quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế, dự báo giá xăng dầu tiếp tục tăng, đứng ở mức cao và thiết lập mặt bằng giá mới trong năm 2022.
Liên Bộ Công Thương và Tài chính khẳng định sẽ bám sát diễn biến thị trường xăng dầu thế để có giải pháp ứng phó linh hoạt, đồng thời nâng cao năng lực khai thác, lọc hóa dầu trong nước nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát của năm 2022 và các năm tiếp theo.