Theo báo cáo Nation Brands 2020 của hãng Brand Finance, Việt Nam nổi lên là ‘thiên đường’ sản xuất mới tại Đông Nam Á và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng nhanh nhất thế giới khi tăng 29% so với năm trước, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do dịch bệnh Covid-19.
Thời điểm năm 2019, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá là 247 tỉ USD (tăng 12 tỉ USD, tương đương tăng 5,4% so với con số 235 tỉ USD của năm 2018) và xếp hạng thứ 42. Với việc giá trị thương hiệu tăng vọt lên mức 319 tỉ USD trong năm 2020, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng từ hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
Theo đó, bất chấp xu hướng sụt giảm toàn cầu do đại dịch Covid-19, Việt Nam có thương hiệu quốc gia thăng hạng nhanh nhất trong bảng xếp hạng năm 2020 với giá trị thương hiệu tăng vọt lên mức 319 tỉ USD.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, Việt Nam đã nổi lên như điểm đến hàng đầu tại Đông Nam Á cho hoạt động sản xuất và ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư mà đặc biệt là các nhà đầu tư Mỹ đang tìm cách chuyển địa điểm sản xuất khỏi Trung Quốc. Các hiệp định thương mại mới ký kết với EU cũng đã góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam.
Theo Brand Finance, năm 2020 đã đặt ra cho các quốc gia trên thế giới một phép thử từ tác động của dịch bệnh Covid-19 tới dự báo GDP của các quốc gia và tỷ lệ lạm phát, gây bất ổn kinh tế trên toàn cầu cũng như giảm triển vọng về dài hạn. Brand Finance ước tính giá trị thương hiệu của 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới mất tới 13,1 nghìn tỉ USD trong năm 2020 khi hầu hết các quốc gia đều cảm nhận rõ những tác động của cuộc khủng hoảng của đại dịch Covid-19 tới mọi khía cạnh của nền kinh tế. Giá trị của Top 100 giảm từ mức 98.000 tỉ USD ở năm 2019 xuống chỉ còn 84,9 nghìn tỉ USD trong năm 2020.
CEO của Brand Finance, ông David Haigh cho hay, không bất ngờ với xu hướng giảm của gần như tất cả các thương hiệu quốc gia có giá trị nhất trên thế giới, bởi khi đại dịch Covid1- bùng phát trên toàn cầu trong năm đã góp phần vào sự gia tăng gần đây của chủ nghĩa bảo hộ.
Trong năm 2020, hai quốc gia có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới là Mỹ với giá trị thương hiệu là 23,7 nghìn tỉ USD và Trung Quốc với giá trị thương hiệu là 18,8 nghìn tỉ USD. Tuy vậy, Trung Quốc đang cho thấy những nỗ lực thu hẹp cách biệt với Mỹ.
Hãng Brand Finance cho hay, Top 10 thương hiệu quốc gia giá trị nhất ghi nhận mức giảm giá trị thương hiệu trung bình 14% do tác động của dịch bệnh Covid-19. Tiếp sau hai quốc gia Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản là quốc gia thăng hạng từ vị trí thứ 4 năm 2019 lên vị trí thứ 3 trong năm 2020 dù giá trị thương hiệu giảm nhẹ 6% xuống còn 4.300 nghìn tỉ USD.
Trong khi đó, Ireland là quốc gia duy nhất trong Top 20 có giá trị thương hiệu tăng 11% lên mức 670 tỉ USD nhờ xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng trong nước.
Ngược lại, Argentina là nước có giá trị thương hiệu giảm mạnh nhất với mức giảm tới 57% xuống còn 157 tỉ USD trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc Covid-19.
Việt Nam trở thành nước nổi tiếng về sự an toàn
Việt Nam ghi nhận số ca mắc Covid-19 và tử vong thấp một cách đáng ngạc nhiên. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường gây ra nhiều tác động toàn diện và sâu rộng đẩy nhiều quốc gia vào khủng hoảng kép về y tế và kinh tế.
Với những nỗ lực của Chính phủ cùng sự đồng thuận của toàn thể nhân dân Việt Nam nhằm khống chế đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng trở thành một đất nước nổi tiếng về sự an toàn. Sự nổi tiếng này sẽ giúp nước ta thu hút dễ dàng hơn các nguồn lực của thế giới và đặc biệt là thu hút đầu tư, các sự kiện và khách du lịch quốc tế.
Không những thế, Việt Nam đã thành công khi biến thách thức của đại dịch Covid-19 trở thành lợi thế để quảng bá, nâng cao hình ảnh các sản phẩm Việt Nam và thương hiệu quốc gia Việt Nam.