Giá dầu thế giới đã đột ngột giảm mạnh trong phiên hôm qua tại thị trường Mỹ, xóa bỏ mức tăng trong tháng này trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn do chiến sự tại Ukraine.
Giá dầu thế giới đã đột ngột giảm mạnh trong phiên hôm qua tại thị trường Mỹ, xóa bỏ mức tăng trong tháng này trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn do chiến sự tại Ukraine.
Giá dầu WTI của Mỹ đã giảm 15 USD, tương đương hơn 12%, xuống còn 108,7 USD/thùng, ghi nhận ngày giảm tồi tệ nhất kể từ 26/11 năm ngoái. Đầu tuần này, dầu WTI đã đạt mức 130 USD/thùng trong một thời gian ngắn, lên mức cao nhất 13 năm, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang.
Tương tự, dầu Brent cũng giảm 16,8 USD, tương đương 13%, xuống còn 111,1 USD/thùng, mức giảm mạnh nhất trong ngày kể từ tháng 4/2020. Dầu Brent đã đạt mức 139 USD/thùng hôm đầu tuần, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Giá dầu đột ngột lao dốc trong bối cảnh Mỹ có thể đạt được tiến bộ trong việc khuyến khích các nguồn khác sản xuất nhiều dầu hơn. Theo Reuters, Iraq cho biết có thể gia tăng sản lượng nếu OPEC+ yêu cầu. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng phát tín hiệu cho biết UAE sẽ hỗ trợ OPEC+ tăng sản lượng.
"Mức giá 130 USD/thùng là do tâm lý lo sợ mất tất cả sản lượng từ Nga đang bao trùm trên thị trường dầu mỏ. Trong khi đó, OPEC vẫn không nhúc nhích và tình hình Ukraine đang ngày càng tồi tệ hơn. Nhưng điều đó giờ đã thay đổi. Mọi thứ đã được đảo ngược, ít nhất ở mức độ nào đó", nhà phân tích John Kilduff tại Again Capital nói với CNBC.
Tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã giải phóng 60 triệu thùng dầu dự trữ để bù đắp cho sự gián đoạn nguồn cung sau cuộc chiến của Nga. Cơ quan này gọi động thái này là "phản ứng ban đầu" và cho biết sẽ tiếp tục giải phóng thêm nếu cần.
"Thế giới đang cùng nhau giải quyết vấn đề giá dầu tăng vọt và điều đó khiến giá dầu thô chỉ nằm ở mức đỉnh trong ngắn hạn", Ed Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda nói.
Mới đây, Mỹ đã tuyên bố cấm vận dầu và khí đốt của Nga. Anh cũng cho biết hạn chế mua dầu của Nga và sẽ loại bỏ dần hàng nhập khẩu của nước này vào cuối năm nay. Liên minh châu Âu cũng công bố kế hoạch giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.