Theo Bộ Công Thương, trong hầu hết các hiệp định ưu đãi thương mại được ký kết từ năm 2020, các lĩnh vực dịch vụ, thương mại điện tử và hệ thống điều hành khí hậu đều được bổ sung, giúp các hiệp định trở nên toàn diện, thường xuyên để tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và bao trùm cả các công ty thương mại điện tử.
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), số lượng hiệp định mang tính chất ưu đãi thương mại mới, được ký kết trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, năm 2020 là 11 hiệp định và năm 2021 là 4 hiệp định. Tỷ trọng thương mại của các quốc gia tham gia ký kết các hiệp thương mại tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương mới chỉ chiếm 35% xuất khẩu và 45% nhập khẩu trong giai đoạn 2011-2013, nhưng đã tăng lên lần lượt là 45% và 51% vào năm 2020.
Riêng với thị trường EU, một số mặt hàng đang được cấp C/O ưu đãi sang thị trường này với kim ngạch cao là giày dép, dệt may, thủy sản, nhựa. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam sang EU như nông sản không phải là không được tạo thuận lợi hưởng mức ưu đãi thuế quan thấp mà do doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ các lô hàng xuất khẩu theo cam kết ưu đãi khác của hiệp định thương mại tự do liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA).
Đối với Việt Nam, ngoài hội nhập kinh tế quốc tế, mục tiêu chính trong các hiệp định thương mại là giảm bớt các rào cản đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, bảo vệ các lợi ích của doanh nghiệp Việt trong sự cạnh tranh ở cả thị trường trong nước lẫn thị trường ngoài nước, và nâng cao pháp quyền ở nước đối tác FTA hoặc các nước khác. Thông qua tận dụng các cam kết tạo thuận lợi thương mại ưu đãi thuế quan của các quốc gia tham gia trong các hiệp định thương mại thế hệ mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển mạnh, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên tăng cao.