Sau các thông tin kinh tế bất lợi nằm ngoài dự đoán, nhiều khả năng FOMC sẽ phải mạnh tay hơn nữa với việc tăng lãi suất nếu như không muốn "chạy sau" lạm phát.
Sau các thông tin kinh tế bất lợi nằm ngoài dự đoán, nhiều khả năng FOMC sẽ phải mạnh tay hơn nữa với việc tăng lãi suất nếu như không muốn "chạy sau" lạm phát.
Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, sẽ bước vào ngày họp cuối cùng vào đêm nay (15/6), theo giờ Việt Nam. Sau các thông tin kinh tế bất lợi nằm ngoài dự đoán, cơ quan này nhiều khả năng sẽ phải mạnh tay hơn nữa với việc tăng lãi suất nếu như không muốn "chạy sau" lạm phát.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bước vào ngày họp đầu tiên của cuộc họp được coi là quan trọng nhất trong năm.
Theo CNBC, đến lúc này, thị trường dự đoán FED sẽ phải tăng lãi suất ở mức cao hơn và các quan chức FED cũng đang tính tới khả năng này. 0,75 điểm % là ý tưởng các nhà hoạch định của ngân hàng trung ương này đang xem xét. Công ty theo dõi các bước đi của FED, CME, vốn trước đây nghiêng mạnh về khả năng tăng 0,5 điểm %, nhưng hiện các chỉ báo của họ cũng cho thấy có tới 96% khả năng FED tăng 0,75 điểm %.
Trang Marketwatch bình 0,75 điểm % sẽ là mức tăng cao nhất trong gần 30 năm qua. Tuy nhiên FED đang chịu áp lực phải đưa các mức lãi suất chủ chốt về khoảng 2,5% từ giờ tới cuối năm, đặc biệt khi lạm phát trong tháng 5 vẫn tăng cao tới 8,6%.
Khi lạm phát vẫn tăng cao, ông Powell và các đồng nghiệp buộc phải mạnh tay hơn để chứng minh cho công chúng và thị trường thấy rằng họ vẫn nghiêm túc về việc kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên FED tăng lãi suất mạnh tay hơn lại tạo ra tâm lý khác đối với thị trường: lo ngại nền kinh tế không những không "hạ cánh mềm" mà còn có nguy cơ suy thoái. Các nhà đầu tư đã bán ra cổ phiếu, khiến các chỉ số rơi vào thị trường gấu.
Ví dụ chỉ số S&P500 đã rơi vào thị trường gấu lần thứ 2 kể từ khi có dịch. Thị trường gấu là khi chỉ số để mất tới 20% giá trị từ mức đỉnh hiện tại. Đây là điều hiếm xảy ra và thường bị coi là "thềm" của suy thoái.
Dù vậy, Thời báo New York cho rằng chưa chắc có suy thoái lần này, bởi nhiều lĩnh vực của kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt hơn so với các thị trường gấu trước. Thất nghiệp đang thấp nhất trong gần 50 năm. 22 triệu việc làm, bị mất trong dịch, đã gần quay trở lại.
Chuyên gia tư vấn đầu tư Steven Ellis của Fil Investment bình: "Chúng ta đang ở tâm bão với lạm phát là một rủi ro chính, nhưng giờ lại có thêm vấn đề suy thoái và hạ cánh cứng.Vì vậy, FED buộc phải cẩn thận với những yếu tố này. Họ có thể sẽ thắt chặt lãi suất quá mức và sau đó phải nới lỏng".
Theo dự báo của Bloomberg, FED có thể bắt đầu "nới lỏng" lãi suất vào cuối năm 2024 theo mô hình chuyên gia phân tích của Futures First miêu tả: "Đi lên (tăng) thì leo thang bộ, đi xuống (hạ) thì bằng thang máy".
Điều đó có nghĩa, việc tăng lãi suất sẽ được tính toán rất kỹ và từ từ. Tuy nhiên khi tới một thời điểm phù hợp, hạ lãi suất sẽ sớm được cân nhắc để thúc đẩy tăng trưởng trở lại.