Hôm 17/2, Facebook đã có động thái cứng rắn nhằm chống lại đạo luật mới ban hành của nước Úc. Hành động 'cấm vận thông tin' của Facebook đang đe dọa lớn tới quyền lực của cả một quốc gia.
Hôm 17/2, Facebook đã có động thái cứng rắn nhằm chống lại đạo luật mới ban hành của nước Úc. Hành động 'cấm vận thông tin' của Facebook đang đe dọa lớn tới quyền lực của cả một quốc gia.
Thay vì tiếp tục đàm phán với quốc gia này về việc Facebook phải trả tiền cho nội dung tin tức lưu hành trên nền tảng của mình, gã khổng lồ công nghệ này đã quyết định mạnh tay chống đối. Chỉ trong vòng vài giờ, Facebook tuyên bố sẽ “hạn chế các nhà xuất bản và người dân ở Úc” chia sẻ hoặc xem nội dung tin tức. Hạn chế này cũng áp dụng với người dùng Facebook trên toàn thế giới, giờ đây mọi liên kết từ các nhà xuất bản tin tức của Úc sẽ bị cấm trên nền tảng của Facebook.
Nói cách khác, chính phủ của một quốc gia có chủ quyền đã cố gắng hạn chế Facebook. Và để đáp lại, Facebook "cấm vận thông tin" cả quốc gia đó.
Chi tiết của tranh chấp lần này chủ yếu liên quan đến doanh thu từ quảng cáo. Dù cố gắng diễn tả hành động của Facebook giống như việc một công ty tư nhân đang cố gắng đạt được lợi ích lớn nhất trong một cuộc đàm phán như thế nào cũng không thể che giấu được quyền lực gần như bá chủ của công ty này trong việc kiểm soát và tích lũy luồng thông tin toàn cầu.
Facebook liên tục được bình chọn là nguồn tin tức lớn ở các nước trên thế giới. Ở các quốc gia ít phát triển hơn như Myanmar, hầu như không thể phân biệt được giữa Facebook với chính Internet.
Trong vòng vài giờ sau thông báo của Facebook, các trang Facebook của Nine, News Corp và Australian Broadcasting Corp do chính phủ Úc tài trợ, đóng vai trò là nguồn thông tin chính thống về các thảm họa thiên nhiên, đã bị xóa toàn bộ dữ liệu. Điều tương tự đã xảy ra với các fanpage của các sở y tế lớn trong khu vực, nơi một phần tư trong số 25 triệu người của đất nước thường xuyên thu thập thông tin về dịch bênh Covid-19.
Khi cháy rừng hoành hành trên khắp nước Úc, trang Facebook của Cục Khí tượng quốc gia này cũng bị xóa sạch. Các fanpage của Sở Cứu hỏa và Dịch vụ Khẩn cấp Khu vực cũng bị ngăn không cho đăng cảnh báo cháy rừng khẩn cấp.
Sức mạnh của Facebook đã cho phép nó đe dọa chính phủ của cả một quốc gia bằng cách thâu tóm một lượng lớn cơ sở hạ tầng xã hội của quốc gia đó. Những gì chúng ta đang chứng kiến hầu như không phải là một cuộc tranh chấp về hợp đồng, mà là một cuộc tranh giành quyền lực giữa một chính phủ có chủ quyền và một tập đoàn tư nhân thống trị đến mức nó tồn tại như một bá chủ theo đúng nghĩa đen.
Vụ việc này là đại diện cho cách mà các chính phủ toàn cầu và công dân của họ đang đấu tranh với các công ty Big Tech, những người đang dùng cách kiểm soát luồng thông tin, để định hình chính ranh giới của các xã hội tự do và dân chủ.