Thời kỳ năng lượng giá rẻ đã kết thúc và châu Âu sẽ tăng cường chuẩn bị cho kịch bản nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt giảm.
Thời kỳ năng lượng giá rẻ đã kết thúc và châu Âu sẽ tăng cường chuẩn bị cho kịch bản nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt giảm.
Đó là tuyên bố của các lãnh đạo châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vừa kết thúc.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, việc tìm kiếm những nguồn cung năng lượng mới đang được gấp rút thực hiện, với một số nguồn cung thay thế như khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đã tăng tới 75% so với cùng kỳ năm 2021.
Vấn đề này sẽ tiếp tục được bàn thảo tại các hội nghị EU tiếp theo, trong bối cảnh nguy cơ giảm nguồn cung từ Nga, vốn chiếm hơn 40% nhu cầu khi đốt của khối đã tạo sức ép lớn lên giá cả và đời sống người dân châu Âu năm nay.
Các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia EU cho rằng, tình trạng giá cả tăng đột biến trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi xuống là do cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine bắt đầu cách đây 4 tháng.
Thủ tướng Latvia, ông Krisjanis Karins, cho rằng khái niệm năng lượng rẻ đã không còn và khái niệm về năng lượng của Nga về cơ bản đã biến mất. Ông nhấn mạnh châu Âu đang trong quá trình đảm bảo các nguồn thay thế.
Sau các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây đối với Nga liên quan tới xung đột tại Ukraine, đến nay, hàng chục quốc gia châu Âu đã bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm dòng khí đốt từ Nga.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cảnh báo quốc gia này sẽ thiếu khí đốt nếu nguồn cung của Nga vẫn thấp như hiện tại. Một số ngành công nghiệp sẽ phải đóng cửa vào mùa Đông tới khi các công ty buộc ngừng sản xuất, sa thải công nhân, chuỗi cung ứng sụp đổ. Người dân sẽ lâm vào cảnh nợ nần để trả các hóa đơn sưởi ấm.
Trước xung đột, EU phụ thuộc vào Nga cho 40% nhu cầu khí đốt của khối, riêng Đức là 55%. Việc cắt giảm nguồn cung từ Nga để lại một khoảng trống lớn khó để lấp đầy khi thị trường khí đốt toàn cầu vốn đã "chật hẹp".
Bên cạnh đó, lạm phát ở 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay là trên 8%. EC dự kiến tăng trưởng toàn khối sẽ giảm xuống 2,7% trong năm nay.
Chủ tịch Eurogroup, Paschal Donohoe, cảnh báo rằng khối này phải thừa nhận rủi ro có thể phải đối mặt nếu lạm phát ăn sâu vào nền kinh tế. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cũng cảnh báo về một "mùa Đông khó khăn" tiềm ẩn phía trước.