Dự kiến năm 2022 sẽ lỗ đến trên 31,3 nghìn tỷ đồng, EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ ngành cho phép “điều chỉnh giá điện” ngay trong năm 2022.
Dự kiến năm 2022 sẽ lỗ đến trên 31,3 nghìn tỷ đồng, EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ ngành cho phép “điều chỉnh giá điện” ngay trong năm 2022.
Do phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến sẽ bị lỗ hơn 31.360 tỷ đồng.
Đây là thông tin được Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào sáng nay 21/12.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, do chịu ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc bởi những biến động lớn về tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới, nhất là xung đột chính trị Nga - Ukraina và tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, năm 2022 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với EVN khi chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là nguồn nhiên liệu năng lượng sơ cấp, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện biến động và tăng vọt, làm cho chi phí sản xuất điện tăng cao.
Những yếu tố tiêu cực này đã ảnh hưởng lớn đến việc cân đối tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của EVN.
“Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, do phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN dự kiến sẽ bị lỗ hơn 31.360 tỷ đồng.” - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nêu rõ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023 của EVN là hết sức nặng nề trên cả 2 khía cạnh là đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính. Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao, đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển chung của đất nước, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, EVN phải tiếp tục khẳng định vai trò là tập đoàn nhà nước đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu, đảm bảo khả năng cân đối tài chính, phát triển bền vững và hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được đặt lên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực: sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, tài chính, quản trị,… Nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động.
Thứ ba, tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực quản trị, đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh, dịch vụ khách hàng, viễn thông và công nghệ thông tin với mục tiêu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số.
Thứ tư, đảm bảo việc đầu tư, xây dựng các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt.
Thứ năm, tiếp tục cơ cấu lại tập đoàn, cơ cấu lại danh mục đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh.
Thứ sáu, tiếp tục sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức phù hợp với chiến lược phát triển EVN và định hướng tái cơ cấu ngành Điện để phát triển bền vững.
“Ủy ban sẽ luôn đồng hành cùng với EVN và hỗ trợ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, nhất là các giải pháp cân bằng tài chính; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai có hiệu quả kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 và giai đoạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, kế hoạch tái cơ cấu EVN giai đoạn 2021-2025, cũng như việc sửa đổi các quy chế, Điều lệ của EVN... Đồng thời, Ủy ban sẽ chủ động, kịp thời giải quyết hoặc đề xuất với lãnh đạo Đảng, Chính phủ tháo gỡ khó khăn, giúp EVN phát triển, ổn định.” Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh nói.
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết, tính đến cuối năm 2022, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt gần 77.800MW, tăng gần 1.400MW so với năm 2021, đứng đầu khu vực ASEAN; trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 20.165MW, chiếm tỷ trọng 26,4%.
Đến nay, 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4; trên 92% khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; 99,91% các yêu cầu dịch vụ điện được tiếp nhận qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Trung tâm CSKH, Trung tâm Hành chính công. Tỷ lệ giao dịch ký hợp đồng mua bán điện theo phương thức điện tử đạt 99,37%.
Tổng các khoản EVN đã triển khai thực hiện để tiết giảm chi phí khoảng 33.445 tỷ đồng. Dù vậy, EVN vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao đột biến, dẫn tới mất cân bằng tài chính rất lớn năm 2022.
EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ ngành cho phép điều chỉnh giá điện trong năm 2022 để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới.