Một chế độ tiền tệ lưỡng cực có khả năng thay thế chế độ đơn cực dựa trên đồng bạc xanh hiện tại, nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới – ông Nouriel Roubini vừa dự đoán như vậy.
Một chế độ tiền tệ lưỡng cực có khả năng thay thế chế độ đơn cực dựa trên đồng bạc xanh hiện tại, nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới – ông Nouriel Roubini vừa dự đoán như vậy.
Nhà kinh tế học Roubini đã viết trong một bài báo được đăng tải trên tờ Tạp chí Thời chính (Financial Times) hồi cuối tuần vừa rồi rằng vị thế của đồng đô la Mỹ với tư cách là đồng tiền dự trữ chính của thế giới đang bị đe dọa. Ông Roubini là một trong những người đầu tiên dự đoán về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trong khi chưa có loại tiền tệ nào có khả năng thay thế hoàn toàn vị thế thống trị của đồng bạc xanh trên thế giới thì đồng tiền của Mỹ đang nhanh chóng mất đi lợi thế cạnh tranh trước đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, nhà kinh tế học Roubini nhận định.
“Trong bối cảnh Mỹ tăng cường vũ khí hóa đồng đô la vì các mục đích an ninh quốc gia và sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng giữa phương Tây và các cường quốc theo chủ nghĩa xét lại như Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên, một số ý kiến cho rằng quá trình phi đô la hóa sẽ tăng tốc…Trong một thế giới mà sẽ ngày càng bị chia thành hai phạm vi ảnh hưởng địa chính trị – cụ thể là những khu vực xung quanh Mỹ và Trung Quốc – có khả năng là một chế độ tiền tệ…lưỡng cực cuối cùng sẽ thay thế chế độ đơn cực,” nhà kinh tế học được Phố Wall mệnh danh là “Tiến sĩ tận thế” đã cho biết như vậy.
Những người hoài nghi cho rằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc không thể trở thành đồng tiền dự trữ thực sự trừ khi Bắc Kinh dỡ bỏ kiểm soát vốn, chấp nhận thâm hụt tài khoản vãng lai vĩnh viễn và tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ trở nên linh hoạt hơn. Tuy nhiên, nhà kinh tế Roubini lập luận rằng những yếu tố như trên không còn giá trị nữa, vì Washington đang tích cực làm suy yếu sức hấp dẫn của đồng tiền của mình bằng các biện pháp trừng phạt.
“Sự linh hoạt hoàn toàn về tỷ giá hối đoái và lưu động vốn quốc tế là không cần thiết để đồng tiền của một quốc gia có được vị thế là đồng tiền dự trữ… Và trong khi Trung Quốc có thể kiểm soát vốn thì Mỹ lại có chính sách riêng có thể làm giảm sức hấp dẫn của đồng đô la giữa kẻ thù và các nước bạn bè tương đối. Chính sách đó của Mỹ bao gồm các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các đối thủ của nước này, hạn chế đầu tư vào trong nhiều lĩnh vực và công ty nhạy cảm với an ninh quốc gia, và thậm chí cả các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với những nước bạn bè vi phạm những điều cơ bản nói trên,” ông Roubini cho hay.
Nhà kinh tế học nổi tiếng cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã đẩy mạnh các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ với các đối tác nước ngoài và cho biết xu hướng này có thể sẽ tiếp tục, với nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi chào đón “khả năng giao dịch dầu bằng đồng nhân dân tệ và nắm giữ một phần dự trữ lớn hơn của họ bằng đồng tiền của Trung Quốc… vì họ giao dịch với Trung Quốc nhiều hơn so với Mỹ.” Ông Roubini nói thêm rằng các công nghệ mới như CBDC, hệ thống thanh toán giống như Alipay, các hệ thống trao đổi giữa Trung Quốc và các đối tác của họ cũng như các phiên bản công nghệ quốc gia tương tự hệ thống Mạng lưới Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng - SWIFT, “sẽ đẩy nhanh sự ra đời của một hệ thống tài chính và tiền tệ lưỡng cực trên toàn cầu.”
“Vì tất cả những lý do này, sự suy giảm tương đối trong vị thế của đồng đô la Mỹ với tư cách là đồng tiền dự trữ chính có thể sẽ xảy ra trong thập kỷ tới. Cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh chắc chắn sẽ được cảm nhận rõ trong chế độ tiền tệ dự trữ toàn cầu lưỡng cực,” nhà kinh tế học Roubini kết luận.