Tại đề xuất ban hành Luật Thuế bất động sản đang được Bộ Tư pháp tổng hợp lấy ý kiến, cơ quan có thẩm quyền đã đề nghị đánh thuế cao đối với căn hộ chung cư giá trên 50 triệu đồng/m2. Đồng thời, tách riêng đất ở và nhà ở để đánh thuế bất động sản.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện điều tiết cao đối với căn hộ chung cư có mức giá trên 50 triệu đồng/m2, nhằm góp phần đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập dân cư.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất giá tính thuế là giá theo hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng mua, bán nhà hoặc giá theo bảng giá của UBND cấp tỉnh ban hành, được xác định bao gồm cả giá trị đất và giá trị nhà chung cư.
Ngoài đánh thuế căn hộ, Bộ Tài chính cũng đề nghị tách riêng đất ở, nhà ở để đánh thuế bất động sản và đánh thuế theo biểu thuế suất luỹ tiến từng phần nhằm thuận lợi trong công tác quản lý thu thuế, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của tầng lớp dân cư…
Trước đề xuất trên, trao đổi với báo chí, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, Bộ Tài chính đã thai nghén Luật Thuế bất động sản từ năm 2014; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa ban hành được. Nếu được, sẽ trình Quốc hội vào năm 2025 và thông qua thì năm 2026 sẽ áp dụng.
Tuy nhiên, theo ông Châu, áp dụng đối với căn hộ có giá từ trên 50 triệu đồng/m2 thời điểm này là phù hợp nhưng 3 năm nữa còn phù hợp nữa hay không cần xem xét lại.
Để dẫn chứng, ông Châu cho biết, điển hình như thuế thu nhập cá nhân đưa ra cách đây khá lâu và hiện đã bất hợp lý. Hay thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng BĐS hiện là 2% trên giá chuyển nhượng. Trong nhiều trường hợp, thậm chí bán hòa vốn hay lỗ cũng phải đóng thuế là vô lý nên hai loại thuế này cần sửa.
Chính vì vậy, việc đưa ra mức giá nào để đánh thuế, đánh thuế như thế nào, lộ trình ra sao cần phải được điều tra xã hội học, nghiên cứu kỹ trước khi đề xuất, ban hành để tránh tình trạng khi ban hành thì không còn phù hợp thực tế cuộc sống, không áp dụng được.
"Đánh thuế bất động sản cao cấp là để lấy nguồn thu phân bổ cho người yếu thế, hạn chế người mua nhà tích trữ, đầu cơ làm tăng giá bất động sản nhưng phải tính làm sao cho công bằng bởi có người mua nhiều căn nhà hàng chục tỉ đồng nhưng chịu thuế cũng giống như người mua nhà 2 tỉ đồng là không ổn. Đồng thời, đánh thuế làm sao để những người tích lũy tài sản cần suy nghĩ lại, tính toán lại khi họ muốn ôm nhiều nhà đất", ông Lê Hoàng Châu đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội nhấn mạnh, việc đánh thuế căn hộ chung cư cần hướng tới xác định theo tổng giá trị tài sản sẽ phù hợp hơn là chỉ căn cứ vào giá từng mét vuông. Theo ông, đánh thuế tài sản, thuế nhà đất là chuyện đương nhiên, nhưng cần dựa vào thu nhập của người dân để đưa ra tỷ lệ phù hợp.
“Không thể nóng vội trong chuyện đánh thuế. Đánh thuế cao ngay lập tức phản ứng xã hội rất lớn. Đại bộ phận người dân mua chung cư, nhà đất nên để đánh một mức thuế phải phụ thuộc một phần vào tài sản và một phần vào thu nhập. Đặc biệt, cần có lộ trình thực hiện, mức thuế đưa ra từ thấp đến cao để người dân hiểu, chia sẻ với nhà nước và để họ nhận thức được việc đánh thuế là đương nhiên”, ông Điệp nói.
Ở góc độ khác, khẳng định việc đánh thuế vào các chung cư có giá cao trên 50 triệu đồng/m2, phân khúc dành cho người giàu là phù hợp, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc này sẽ khiến các chủ đầu tư cần cân nhắc xây dựng phân khúc chung cư cho đối tượng nào. Đồng thời, khuyến khích phát triển xây dựng các chung cư giá rẻ, phù hợp với đại đa số nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, ông Đính cũng lưu ý, đây lại là phân khúc đang gặp khó khăn nhất trên thị trường vì không bán được, tồn kho nhiều. Do đó, thời điểm này chưa nên đánh thuế mà cần tìm cách tháo gỡ; cũng như cần có lộ trình thực hiện việc đánh thuế để hợp lý, phù hợp hơn với thị trường.