Nếu kế hoạch được Bộ GTVT thông qua, hoạt động bay thường lệ chở khách nội địa sẽ sớm được nối lại, những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin COVID-19, đã khỏi bệnh, sẽ được đi lại không hạn chế hầu như khắp cả nước.
Nếu kế hoạch được Bộ GTVT thông qua, hoạt động bay thường lệ chở khách nội địa sẽ sớm được nối lại, những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin COVID-19, đã khỏi bệnh, sẽ được đi lại không hạn chế hầu như khắp cả nước.
Theo đề xuất của Cục Hàng không (Bộ GTVT), việc nối lại các đường bay thường lệ chở khách nội địa sẽ phân thành 3 vùng theo diễn biến dịch bệnh. Đặc biệt, người đã tiêm vắc-xin COVID-19 đầy đủ có thể được đi lại tự do giữa các vùng không yêu cầu về cách ly y tế.
Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng vừa có báo cáo Bộ GTVT kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ chở khách trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Kế hoạch này nhằm duy trì hoạt động vận tải hàng không và hỗ trợ các hãng đang gặp nhiều khó khăn, tránh đứt gãy kinh tế; phát huy kết quả phòng chống dịch tại một số địa phương, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Đặc biệt, điều kiện khách nội địa đi lại giữa các địa phương là không bắt buộc cách ly tập trung. Từ đầu tháng 8 tới nay, các đường bay thường lệ chở khách nội địa đã cơ bản dừng hoạt động do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương.
Cục Hàng không dự kiến chia sân bay thành các nhóm theo điều kiện áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của các địa phương. Nhóm A gồm các sân bay thuộc tỉnh thành không có khu vực áp dụng Chỉ thị 16 (sân bay vùng xanh); Nhóm B gồm các sân bay thuộc tỉnh thành có khu vực (quận/huyện) áp dụng Chỉ thị 16 (sân bay vùng vàng); Nhóm C là các sân bay thuộc tỉnh thành đang áp dụng Chỉ thị 16 (vùng đỏ). Sân bay sẽ chuyển nhóm tương ứng khi địa phương thay đổi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.
Sau khi phân vùng, việc nối lại đường bay sẽ theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thí điểm trong thời gian 4 tuần (ngay khi kế hoạch được thông qua). Giai đoạn này, các hãng được chủ động lên kế hoạch bay, bán vé, tổ chức chuyến bay cho hành khách đủ điều kiện. Ngoài các điều kiện riêng, tất cả hành khách khi lên máy bay đều phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ.
Giai đoạn thí điểm, Cục Hàng không đề xuất không hạn chế khách bay giữa các sân bay vùng xanh, khách từ sân bay vùng xanh đi vùng vàng và đỏ. Với khách bay trong vùng vàng với nhau, từ vùng vàng đi vùng xanh và đỏ, từ vùng đỏ đi vùng xanh và vàng không hạn chế với khách công vụ, lực lượng chống dịch (chỉ cần có xét nghiệm COVID-19);Với khách khác phải đáp ứng một trong các điều kiện: hoàn thành cách ly tập trung, hoặc có chứng nhận tiêm đủ vắc-xin COVID-19 (mũi tiêm cuối trước chuyến bay ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng), hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 không quá 12 tháng.
Với đường bay giữa các sân bay vùng đỏ với nhau chỉ phục vụ khách công vụ, lực lượng phòng chống dịch, khách theo kế hoạch đón của các địa phương.
Trong thời gian thí điểm trên, Cục Hàng không sẽ theo dõi, đánh giá thực tế, nếu thông suốt sẽ triển khai giai đoạn 2 ngay. Trong giai đoạn 2 này, phân vùng sân bay, điều kiện khách đi các đường bay tương tự giai đoạn thí điểm.
Đồng thời mở rộng thí điểm trong 4 tuần thêm nhóm khách có chứng nhận lưu trú từ 14 ngày trở lên tại các khu vực không áp dụng Chỉ thị 16 để đi trong vùng vàng, từ vùng vàng đi vùng xanh và đỏ, từ vùng đỏ đi vùng xanh và vàng. Các hãng hàng không được mở bán vé và khai thác đường bay không hạn chế.
Nếu kế hoạch trên được Bộ GTVT thông qua, hoạt động bay thường lệ chở khách nội địa sẽ được nối lại, những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin COVID-19, đã khỏi bệnh, sẽ được đi lại không hạn chế hầu như khắp cả nước (trừ giữa vùng đỏ với nhau).
Trước đó, tại buổi tọa đàm trực tuyến hôm 5/5, các chuyên gia Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đã đề xuất Chính phủ thực hiện chương trình thí điểm thẻ thông hành xanh (Vietnam Green Travel Pass) thay cho hộ chiếu vắc xin tại Việt Nam để mở lại các công việc kinh doanh, đi lại trong nước, tiến tới xuất cảnh, nhập cảnh. Qua đó nhằm thực hiện mục tiêu kép, giúp phục hồi phát triển kinh tế sớm nhất trong bối cảnh phải sống chung với Covid-19 lâu dài.
Thẻ thông hành xanh có thể là mã QR trên điện thoại thông minh hoặc in ra trên giấy, áp dụng cho những đối tượng không chỉ tiêm đủ vắc xin, mà cả những F0 đã khỏi bệnh, những người có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước.
Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường, để làm được Thẻ thông hành xanh, cần phải có một cơ quan chuyên trách, chịu trách nhiệm về triển khai hộ chiếu vắc xin. Khái niệm về hộ chiếu vắc xin cần được hiểu là một phần mềm ghi nhận tình trạng của một người, có thể là âm tính sau xét nghiệm PCR, hai là tiêm đủ vắc xin, 1 hoặc 2 liều theo nhà sản xuất; ba là bệnh nhân đã khỏi Covid.
"Hiện nay, ở Việt Nam có cả ba đối tượng như vậy, nhưng cách ứng xử và thực hiện chưa có gì khác biệt. Ví dụ, phi công và tiếp viên đã tiêm 1 mũi vắc xin, không may mắc virus SAR-CoV-2, đã khỏi bệnh, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc họ có được phép quay trở lại đi làm không? Bởi theo quy định, bệnh nhân khỏi bệnh không được tiêm vắc xin vì đã có kháng thể, ít nhất 6-7 tháng sau mới được tiêm." - ông Cường nêu rõ.
Phó Cục trưởng Võ Huy Cường kỳ vọng, từ nay đến 30/9, nếu giảm bớt được số ca lây nhiễm trong cộng đồng, tiến tới bỏ giãn cách và tỷ lệ tiêm vắc xin ngày càng cao, Việt Nam có thể từng bước quay trở lại khôi phục các chuyến bay nội địa thường lệ. Sau đó, khi có hộ chiếu vắc xin, từng bước mở lại hoạt động đi lại quốc tế.