Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến đa số ngành công nghiệp chủ yếu, có chỉ số sản xuất công nghiệp lũy kế 8 tháng năm 2021 giảm mạnh hơn so với cùng kỳ.
Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến đa số ngành công nghiệp chủ yếu, có chỉ số sản xuất công nghiệp lũy kế 8 tháng năm 2021 giảm mạnh hơn so với cùng kỳ.
Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 của Thành phố. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp, số lượng thành lập doanh nghiệp mới, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng… giảm mạnh.
Theo báo cáo của Cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của TP. Hồ Chí Minh tháng 8/2021 uớc tính giảm 22,4% so với tháng 7 năm 2021. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng giảm 49,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 22,9%; sản xuất và phân phối điện giảm 9,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 6,7%.
Tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Thành phố giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước do chịu ảnh hưởng mạnh của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4; nhiều nhà máy phải giảm công suất hoặc dừng hoạt động để chống dịch; nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất bị gián đoán, thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2021 giảm 5,8% so với cùng kỳ năm truớc. Trong đó, ngành cơ khí giảm 2,6%; ngành hóa dược giảm 5,3%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 6,7%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 8,7%.
Cũng theo báo cáo, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8 năm 2021 ước tính giảm 27,7% so với tháng 7 năm 2021 và giảm 53,4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng năm 2021 chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 8 năm 2021 ước tính tăng 11,4% so cùng thời điểm năm trước. Trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 644,1%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 76,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 65,5%...
Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố trong tháng 8 tiếp tục gặp nhiều khó khăn chồng chất, có nguy cơ đứt gãy sản xuất do toàn Thành phố tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trước 15/9 với tinh thần ‘chống dịch như chống giặc’, ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân.
Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tháng 8, thành phố tiếp tục tăng cường siết chặt việc thực hiện giãn cách xã hội một cách nghiêm ngặt nhằm kiểm soát tình hình dịch Covid-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch trên địa bàn, nhiều hoạt động kinh doanh sản xuất gặp phải khó khăn khi tạm ngưng hoạt động, đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư.
Vì vậy, số lượng giấy phép và vốn đăng ký cấp mới của doanh nghiệp trong 15 ngày đầu tháng 8 năm 2021 (từ ngày 1 - 15/8) đạt mức rất thấp, chỉ có 265 doanh nghiệp thành lập với vốn đăng ký là 6.646 tỷ đồng. So với tháng cùng kỳ năm trước thì số giấy phép giảm đến 85,5% và số vốn cũng giảm 95,4%.
Lũy kế từ ngày 1/1 - 15/8, TP. Hồ Chí Minh đã cấp phép 21.762 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 365.200 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số giấy phép giảm 15,9% và vốn giảm 34,1%.
Từ ngày 1/1 - 20/8, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố là 2,18 tỷ USD bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 43,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, cấp mới có 386 dự án cấp với vốn đăng ký đạt 375,5 triệu USD, giảm 52,7% về số giấy phép và giảm 50,2% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký vẫn tiếp tục tập trung chủ yếu ở 3 ngành là kinh doanh bất động sản, thương nghiệp và vận tải kho bãi, trong đó ngành kinh doanh bất động sản chiếm 57% về vốn đăng ký cấp mới, tương đương là 214,1 triệu USD; kế tiếp là thương nghiệp chiếm 15,9%...
Còn góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài có 1.626 trường hợp với tổng vốn đạt 1,15 tỷ USD, giảm 57% về vốn so với cùng kỳ. Trong khi dự án chấm dứt hoặc tạm ngưng hoạt động từ đầu năm đến ngày 20/8 là 89 dự án, với tổng vốn đầu tư là 100,7 triệu USD.