Giá đất Hóc Môn, Củ Chi chỉ trong chưa đầy một năm có khu vực đã tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp 4 lần. Khi xuất hiện những thông tin mới về quy hoạch đất tại đây càng thêm nóng nhưng cũng tiềm ảnh nhiều rủi ro.
Giá đất Hóc Môn, Củ Chi chỉ trong chưa đầy một năm có khu vực đã tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp 4 lần. Khi xuất hiện những thông tin mới về quy hoạch đất tại đây càng thêm nóng nhưng cũng tiềm ảnh nhiều rủi ro.
“Sóng” thông tin đẩy giá đất sốt hầm hập
Thời gian gần đây, khi thông tin đưa Củ Chi lên thành phố, Hóc Môn lên quận cùng với việc TP.HCM đã mời gọi đầu tư 55 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi, tin về “ông lớn” này “tay to” kia được rỉ tai nhau khiến giá đất tăng dựng đứng từ đất ruộng, đất trồng cây lâu năm, đến đất vườn…
Anh Long (quận 7, TP.HCM) cho biết, khoảng một năm trước, anh tìm hiểu đất nông nghiệp tại Củ Chi giá đất rơi vào khoảng 1,5 – 1,6 tỷ đồng/sào. Tháng 1 vừa qua anh được chào giá lên 2,7 tỷ đồng. Gần đây, khi liên lạc lại thì mảnh đất đã được đẩy giá lên hơn 3 tỷ đồng. Theo chủ đất nếu không “chốt” nhanh thì giá còn lên cao nữa và cũng có thể không còn để mua.
Theo thống kê trên các trang rao bán nhà đất Củ Chi, giá nhà mặt phố trung bình tại Củ Chi đã tăng 34% kể từ dầu năm đến nay, trong khi đó, giá đất trung bình tăng tới 42%.
Thậm chí, giá nhà đất ở Củ Chi thuộc khu vực giáp ranh với quận 12, huyện Hóc Môn, Bình Dương và gần các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 22 (đường Xuyên Á), trung tâm hành chính huyện, hoặc dọc bờ sông Sài Gòn… tăng nhanh với biên độ lớn.
Nếu tính từ đầu năm tới nay, có nơi tăng gần 70% nhất là sau khi thông tin huyện Củ Chi được đề xuất lên thành phố trực thuộc TP.HCM.
Không chỉ ở Củ Chi, tình trạng sốt đất cũng xảy ra ở Hóc Môn. Khảo sát tại xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), đất nông nghiệp đang được trồng rau cũng được rao bán tới 2,4 tỷ đồng/sào. Các miếng đất lớn từ 2.000 – 3.000m2 đều tăng giá từ 500 triệu – 1 tỷ đồng so với trước Tết.
Thống kê trên các trang rao bán nhà đất, từ đầu năm đến nay giá nhà đất trung bình tại thị trấn Hóc Môn có nơi tăng tới 44,6%.
Trước thực trạng sốt đất đang diễn ra tại Củ Chi, Hóc Môn nhiều nhà đầu tư đánh giá cũng tương tự như cơn sốt đất cách đây 5 năm khi thông tin các “siêu dự án” đô thị, đường ven sông được đề xuất đầu tư tại đây. Thời điểm đó giá đất được thổi tăng vọt sau thông tin Tập đoàn Tuần Châu đầu tư các dự án quy mô hàng tỉ đô la tại Củ Chi . Nhưng các dự án này không được chấp thuận và giá nhà đất tại đây lại trở về như cũ sau khi “cò” đất rút đi.
Trong khi đó, chuyên gia bất động sản cho rằng, các dự án ở huyện Hóc Môn, Củ Chi chỉ là mới kêu gọi, chưa có nhà đầu tư nào chính thức tham gia vào, cũng chưa có quy hoạch cụ thể nên chưa ai biết được khu vực nào sẽ là “tâm chấn” có thể tăng giá và gia tăng mãi lực. Vì vậy, theo chuyên gia, người mua đất lúc này có thể sẽ gặp rủi ro, nhất là những người đầu cơ, lướt sóng hay dùng tiền vay, mua xong mà không bán được hoặc bị vướng quy hoạch sẽ rất khó khăn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, nhiều người đã lợi dụng thông tin từ các cuộc họp để trục lợi, nhất là đầu nậu, “cò” đất hay doanh nghiệp bất lương đã làm cho giá đất ở huyện Củ Chi, Hóc Môn loạn lên.
“Người mua cần cân nhắc, bởi không phải khu vực nào cũng phù hợp quy hoạch. Nếu chọn đúng khu vực phát triển dân cư sẽ được lợi nhưng nếu gặp phải khu vực quy hoạch công viên cây xanh hay đường sá thì chắc chắn người mua lãnh đủ, còn cò hoặc đầu nậu hưởng lợi. Những người có ý định mua đất lúc này ở Củ Chi, Hóc Môn phải tỉnh táo, phải tìm hiểu kỹ, đừng để tiền mất tật mang”, ông Châu nói.
Loạt địa phương đề nghị công an điều tra về "thổi giá" đất
Có thể thấy, thị trường bất động sản thời gian qua bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá nhà ở ở hầu hết các phân khúc tại các địa phương đều liên tục tăng, có những khu vực còn xảy ra hiện tượng tăng “nóng”.
Việc “thổi giá” ăn theo quy hoạch xuất hiện ngày càng nhiều. Tại Hà Nội, sau khi thành phố dự kiến ban hành quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vào tháng 6/2021, ở Đông Anh, nhiều khu đất trước kia có giá dưới 20 triệu đồng/m2 được rao bán lên 50-60 triệu đồng/m2. Thậm chí, nhân viên môi giới còn cho biết có thể bán "ăn" chênh lệch 5-8 triệu/m2 chỉ qua một ngày...
Trước thực trạng sốt đất diễn ra thời gian qua, nhiều địa phương đã đề nghị công an vào cuộc làm rõ các chiêu trò "thổi giá" đất.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2022 của UBND TP.Đà Nẵng vào chiều 18/4, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP Đà Nẵng cho biết Sở đã có văn bản gửi công an thành phố đề nghị vào cuộc điều tra xem có hay không đường dây thông đồng giữa "cò" đất, cơ quan và cán bộ quản lý Nhà nước để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, tạo cơn "sốt" đất tại huyện Hòa Vang.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký Chỉ thị số 10 về tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo UBND tỉnh này, thời gian gần đây, tại các khu vực có quy hoạch xây dựng, dự kiến thực hiện các dự án khu đô thị, khu công nghiệp… có dấu hiệu hoạt động đầu cơ mua đi bán lại đất đai, bất động sản gây "sốt ảo" trên thị trường. Vì vậy, Sở đã chỉ đạo hàng loạt cơ quan chức năng có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm.
Đặc biệt, Công an tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định. Công an tỉnh tổ chức theo dõi các khu vực có dấu hiệu giá đất tăng đột biến, tình trạng chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, "sốt ảo"; điều tra các đối tượng có hành vi đầu cơ, "thổi giá", làm thị trường tạo cơn "sốt đất" ảo để kiếm lời.
Trước cơn sốt nóng bất động sản tại Gia Lai, cơ quan chức năng tỉnh này đã đề nghị công an vào cuộc tăng cường điều tra, làm rõ các dấu hiệu, hành vi đẩy giá, thổi giá đất để thu lợi bất chính, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản nếu có.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc lập lờ thông tin quy hoạch chính là một trong những nguồn cơn của các đợt “sốt đất ảo” diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Thông tin quy hoạch không được công bố hoặc công bố thiếu đầy đủ đã tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức lợi dụng quy hoạch để “tạo sóng,” gây “sốt đất ảo”, làm rối loạn thị trường. Ông Tùng cho rằng để ngăn chặn sốt đất, việc công khai quy hoạch cần được họp báo và thực hiện một cách nghiêm túc để định hướng thông tin cho người dân.
Xúc tiến đầu tư Củ Chi, Hóc Môn không phải mâm cỗ cho doanh nghiệp đẩy giá đất
Ngày 12/4, phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai huyện Hóc Môn và Củ Chi năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, không chỉ phát triển hai huyện Hóc Môn và Củ Chi, TP.HCM phải mở rộng không gian sinh tồn, mở rộng phát triển đô thị vì chiếc áo hiện hữu của TP.HCM đang mặc đã quá chật chội.
Theo Chủ tịch nước, hội nghị xúc tiến hôm nay không chỉ làm một lần, một ngày mà với tư cách ĐBQH của hai huyện, ông sẽ theo dõi sát sao việc đầu tư vào hai huyện, các mục tiêu phát triển, nhất là các cam kết của nhà đầu tư.
Chủ tịch nước cũng cảnh báo, phát triển hai địa phương Hóc Môn và Củ Chi cần tránh việc tạo cơ hội cho doanh nghiệp bất động sản lợi dụng tạo sốt đất tại địa bàn và TP.HCM. Phát triển là để tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống tốt hơn.