Giám đốc của Wood Mackenzie cho rằng COVID-19 nêu bật nhu cầu rút ngắn chuỗi cung ứng, thì xung đột tại Ukraine nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ đối tác thương mại đáng tin cậy.
Giám đốc của Wood Mackenzie cho rằng COVID-19 nêu bật nhu cầu rút ngắn chuỗi cung ứng, thì xung đột tại Ukraine nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ đối tác thương mại đáng tin cậy.
Các chuyên gia cảnh báo đại dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine có thể dẫn tới những thay đổi lâu dài trong chuỗi cung ứng và thương mại.
Peter Martin, Giám đốc nghiên cứu tại công ty nghiên cứu hàng hóa Wood Mackenzie cho rằng nếu đại dịch COVID-19 nêu bật nhu cầu rút ngắn chuỗi cung ứng, thì xung đột tại Ukraine nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ đối tác thương mại đáng tin cậy.
Giá năng lượng đã tăng vọt trong năm nay khi xung đột Nga-Ukraine gây bất ổn cho thị trường và các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với “xứ bạch dương.”
Trong tuần này, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cấm 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay. Về phần mình, một quan chức Nga cho biết nước này sẽ tìm các nhà nhập khẩu khác, theo đó lượng mua dầu từ Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng vọt trong năm nay.
Không chỉ năng lượng, hoạt động xuất khẩu ngũ cốc như lúa mì, cũng chịu ảnh hưởng. Hàng triệu tấn lúa mỳ của Ukraine, một trong những nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã mắc kẹt tại thị trường trong nước, khi các cảng quan trọng của Ukraine đã bị phong tỏa.
Trước khi xảy ra xung đột, các cảng ở Biển Đen của Ukraine chiếm khoảng 90% lượng ngũ cốc xuất khẩu của nước này.
Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xung đột tại Ukraine, Giám đốc Martin cho rằng hệ thống thương mại toàn cầu sẽ tái cấu trúc và kinh tế thế giới sẽ trở nên khu vực hóa hơn.
Theo ông Martin, đây không phải là dấu chấm hết của toàn cầu hóa, nhưng thương mại toàn cầu có thể tổ chức lại thành hai hoặc nhiều khối riêng biệt.
Khối đầu tiên sẽ bao gồm EU, Mỹ và các đồng minh - những quốc gia đã áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Nga. Một nhóm khác có thể gồm các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, duy trì hoạt động thương mại với cả phương Tây và Nga.
Bên cạnh đó, ông Martin nhận định các tuyến đường thương mại bằng cả đường bộ và đường biển cũng như lưu lượng hàng hóa đi qua chúng sẽ chịu ảnh hưởng. Kể từ khi xung đột bắt đầu, các chủ hàng đã tránh khu vực Biển Đen và gây ra tình trạng tắc nghẽn tại các cảng khác ở châu Âu vì các chủ hàng phải thay đổi tuyến đường vận chuyển.
Theo ông Martin, bất kỳ sự thay đổi nào đối với hệ thống thương mại toàn cầu cũng sẽ dẫn tới một số nước thua thiệt, trong khi một số nước hưởng lợi. Nga có thể sẽ là bên thua thiệt nhiều nhất khi nước này sẽ bị loại khỏi phần lớn hoạt động thương mại của kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, một số nước dự kiến sẽ khiến một số nền kinh tế được hưởng lợi, chẳng hạn như Đông Nam Á, Mỹ Latinh và châu Phi.
Ông Martin cho rằng xuất khẩu sẽ bị chuyển hướng, với đòi hỏi tìm được thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ, đồng thời dịch vụ hậu cần cũng phải thích ứng với các luồng thương mại mới.
Các đợt đóng cửa tại Trung Quốc, trung tâm sản xuất của thế giới, cũng góp phần vào sự hỗn loạn của ngành vận tải biển và thương mại.
Do đó, trong thời gian tới, các luồng vận chuyển hàng hóa có thể sẽ giảm phụ thuộc vào các tuyến thương mại Đông-Tây lớn giữa Trung Quốc và châu Âu, cũng như giữa Trung Quốc và Mỹ.
Sự thay đổi các tuyến đường có thể mang lại lợi ích cho một số quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, nơi nhiều công ty đã và đang sản xuất hàng hóa của họ.
Mặt khác, những điểm chung chuyển như Singapore - nơi tàu thường đi qua trên đường đến Mỹ - có thể bị bỏ qua khi các chủ hàng đi thẳng từ các trung tâm sản xuất mới nổi của Việt Nam và Campuchia đến Mỹ.
Jason McMann, trưởng bộ phận phân tích rủi ro địa chính trị của công ty nghiên cứu thị trường Morning Consult (Mỹ), đánh giá một số doanh nghiệp đang bắt đầu sản xuất gần nhà hơn để hạn chế tình trạng chậm trễ giao hàng do đóng cửa nhà máy, giảm nguồn cung lao động và các yếu tố khác.