Theo báo cáo ước thu năm 2021 của các Cục Thuế, có 60/63 địa phương đánh giá hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021; có 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán.
Theo báo cáo ước thu năm 2021 của các Cục Thuế, có 60/63 địa phương đánh giá hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021; có 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán.
Sáng ngày 24/12/2021, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2021 và triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2022 với 64 điểm cầu trong cả nước.
Đã có 60/63 Cục Thuế hoàn thành vượt dự toán
Theo thông tin tại Hội nghị, năm 2021, ngành Thuế triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt từ cuối tháng 4, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều địa bàn kinh tế trọng điểm đã phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để chống dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng, nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu ngân sách.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính cộng với sự nỗ lực của cơ quan thuế các cấp, ngành Thuế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Kết quả, tổng thu NSNN do ngành Thuế quản lý hoàn thành vượt dự toán trên 177.000 tỷ đồng. Theo báo cáo ước thu năm 2021 của các Cục Thuế, có 60/63 địa phương đánh giá hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu NSNN năm 2021; có 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán.
Cơ quan thuế sẽ tập trung thanh kiểm tra đối với các doanh nghiệp có tăng trưởng
Năm 2022 Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách cho ngành Thuế là 1.174.900 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô là 28.200 tỷ đồng và thu nội địa là 1.146.700 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 còn diễn biến khó lường với nhiều biến chủng mới.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, toàn ngành sẽ tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, góp phần giúp người nộp thuế (NNT) duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh việc tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế bằng các hình thức trực tuyến.
Cơ quan thuế các cấp sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu thu. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu.
Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, kiến nghị với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.
Trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Tăng cường cán bộ công chức cho công tác hoàn thuế để đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế GTGT cho người nộp thuế có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cơ quan thuế sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng về hóa đơn điện tử, bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an ninh, an toàn, đáp ứng và phục vụ tốt nhất việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Đối với công tác thanh, kiểm tra, cơ quan thuế sẽ tập trung thanh kiểm tra đối với các DN có tăng trưởng, ít bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, các DN có rủi ro cao về thuế. Tăng cường giao dịch điện tử trong thanh tra, kiểm tra thuế thông qua việc triển khai và đẩy mạnh trao đổi thông tin, dữ liệu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra qua Cổng TTĐT Tổng cục Thuế.
Phối hợp với chính quyền, cơ quan Công an và các cơ quan ban ngành triển khai thực hiện quy chế phối hợp để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam.
Về công tác quản lý nợ thuế, cơ quan thuế tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạm chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN trên toàn quốc, đảm bảo xử lý tối đa số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không còn khả năng NSNN.
Tổng cục Thuế sẽ thực hiện rà soát tính toán giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2022 cho từng Cục Thuế. Các Cục Thuế thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ đến từng đơn vị, cá nhân, hàng tháng, quý kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện, đảm bảo đến cuối năm hoàn thành chỉ tiêu thu nợ đặt ra. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.