Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá thép có thể tăng hết quý 3/2021. Phản ứng tức thì với đà tăng của giá thép, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành xây dựng “cắm đầu” lao dốc không phanh.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá thép có thể tăng hết quý 3/2021. Phản ứng tức thì với đà tăng của giá thép, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành xây dựng “cắm đầu” lao dốc không phanh.
Hàng loạt thương hiệu thép tại thị trường miền Bắc, miền Trung và miền Nam đồng loạt tăng giá sản phẩm, đồng thời thiết lập mức giá mới, cao nhất trong vòng 1 tháng qua.
Cụ thể, với thương hiệu thép Hoà Phát ở miền Bắc hiện ghi nhận mức giá với thép cuộn CB240 ở mức 16.800 VNĐ/kg. Còn thép D10 CB300 đã có mức giá mới là 17.000 VNĐ/kg (tương đương tăng 300 đồng).
Thương hiệu thép Việt Ý ngày hôm nay 28/4 cũng đã tăng mạnh giá bán thép, hiện thép cuộn CB240 đã tăng 300 đồng và đang có giá là 16.800 VNĐ/kg, còn thép D10 CB300 tăng lên mức là 16.750 VNĐ/kg.
Nhà máy thép Kyoei cũng đã tăng giá với thép cuộn CB240 đã gần chạm mức 17.000 VNĐ/kg, hiện đang có giá là 16.950 VNĐ/kg và thép thanh vằn D10 CB300 hiện ở mức giá 16.900 VNĐ/kg.
Công ty thép Thái Nguyên, hiện với 2 sản phẩm thép cuộn CB240 đang có giá là 17.510 VNĐ/kg; còn với thép D10 CB300 ở mức giá 16.950 VNĐ/kg. Với mức giá này, thép Thái Nguyên với dòng sản phẩm thép cuộn đã thiết lập mức giá cao nhất trong vòng 30 ngày trở lại đây và cao nhất trong phân khúc tại thị trường miền Bắc.
Còn tại thị trường miền Trung, thép xây dựng Hoà Phát đã tăng mạnh giá 2 sản phẩm của hãng. Cụ thể, với dòng thép cuộn CB240 đã vượt mức 17.000 VNĐ/kg, hiện có mức giá 17.070 VNĐ/kg; với thép D10 CB300 hiện có giá là 16.720 VNĐ/kg.
Tại thị trường miền Nam, với sản phẩm thép cuộn CB240 đang chạm mức giá 17.000 VNĐ/kg; còn với thép thanh vằn D10 CB300 là 16.900 VNĐ/kg.
Nhà máy thép Tung Ho cũng đã có thông báo điều chỉnh tăng giá bán thép. Với thép cuộn CB240 đang ở mức 17.000 VNĐ/kg, còn thép thanh vằn D10 CB300 đang có giá 16.750 VNĐ/kg.
Trái ngược hoàn toàn với ngành vật liệu, doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu thi công bị đánh giá là bất lợi do các chủ đầu tư chủ yếu đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký. Các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này dẫn tới sự bào mòn lợi nhuận vốn dĩ mỏng manh của doanh nghiệp. Phản ứng tức thì với đà tăng của giá thép, trên TTCK, cổ phiếu nhiều ông lớn “cắm đầu” lao dốc không phanh.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Michael Trần, Phó Tổng Giám đốc Coteccons khẳng định, chắc chắn là có ảnh hưởng, nhưng việc giá thép tăng là khó khăn chung của cả ngành chứ không riêng gì CTD.
Bất chấp an ủi từ lãnh đạo, giá cổ phiếu CTD vẫn liên tiếp giảm mạnh. Kết thúc phiên giao dịch hôm 27/4, cổ phiếu CTD được mua bán xung quanh mức giá 62.500 VNĐ mỗi cổ phiếu, tương đương giảm 10% trong vòng 1 tuần trở lại đây, và giảm tới 22% trong vòng một tháng trở lại. Bên cạnh giá thép, câu chuyện nội tại của cổ phiếu CTD cũng khiến nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào cổ phiếu.
Tương tự, cổ phiếu HBC sụt giảm tới 11% trong vòng một tuần từ 18.000 VNĐ mỗi cổ phiếu xuống còn 15.600 VNĐ mỗi cổ phiếu.
Một số cổ phiếu khác của các ông lớn khác trong ngành xây dựng cũng có mức độ sụt giảm lớn trong thời gian gần đây như cổ phiếu HTN của Hưng Thịnh Icons; cổ phiếu EVG của Tập đoàn Everland, cổ phiếu FCN vủa Công ty Cổ phần Fecon, cổ phiếu ACC của Bình Dương ACC, cổ phiếu HVH của HVC Group…