Bất chấp nhiều đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn, hàng loạt cổ phiếu tiếp tục giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần trong đó nhiều mã cổ phiếu bất động sản kịch sàn.
Bất chấp nhiều đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn, hàng loạt cổ phiếu tiếp tục giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần trong đó nhiều mã cổ phiếu bất động sản kịch sàn.
Mặc dù các thị trường tương lai chứng khoán thế giới cầm cự khá tốt trong phiên sáng đầu tuần, nhưng chứng khoán châu Á vẫn đỏ rực và thị trường Việt Nam bị bán tháo dữ dội. VN-Index lao dốc 2,46% tương đương bốc hơi 29,64 điểm, với số mã giảm giá nhiều gấp 13 lần số tăng.
Thị trường trường rớt gap hơn 15 điểm (rơi khoảng trống) ngay khi vừa mở cửa giao dịch nhưng thay vì có lực cầu bắt đáy, áp lực bán ngày càng mạnh hơn khi VN-Index có thời điểm mất hơn 31 điểm còn VN30-Index cũng mất tới hơn 32 điểm.
Nhà đầu tư nước ngoài kích lệnh bán tháo khiến các nhà đầu trong nước cũng đua nhau xả hàng, ngoài ra một vài thông tin cho thấy các công ty chứng khoán cũng bắt đầu bán cổ phiếu giải chấp (Force sell) để thu hồi nợ vay margin của nhà đầu tư khi nhiều cổ phiếu đã rớt xuống ngưỡng nguy hiểm.
Khối ngoại sáng nay đã bán ròng 331,7 tỷ đồng trên HoSE. Tổng giá trị bán tới 757,2 tỷ, mua vào 425,4 tỷ. NLG bị xả lớn nhất với 127,3 tỷ đồng ròng, KDH -115,4 tỷ, CTG, DXG, VND đều bị bán trên 30 tỷ ròng. Phía mua có HPG +41,4 tỷ, STB +32,2 tỷ đồng.
Áp lực bán tăng cao và lực mua cũng gia tăng đáng kể khiến thanh khoản trên sàn HoSE đạt hơn 8.316,89 tỉ đồng, tăng mạnh so với những ngày trước, số lượng cổ phiếu trao tay đạt hơn 361 triệu đơn vị.
Theo quan sát, thị trường đỏ lửa với hàng loạt mã giảm mạnh từ 4-6%, riêng nhóm ngành bất động sản nhiều mã giảm sàn như DXG, IDI, DPG, HDC… Tuy vậy, thống kê theo nhóm ngành vào cuối phiên sàn, nhóm cổ bán lẻ giảm mạnh nhất thị trường 4,53%; kế đến là nhóm chứng khoán giảm 4,52%; chế biến thủy sản giảm 4,33%; ngân hàng giảm 2,85%...
Với phiên giao dịch này, nhiều cổ phiếu đã xóa sạch nỗ lực hồi phục trong thời gian qua. Thị trường vẫn đang tiếp tục dò đáy khiến nhiều nhà đầu tư trót "bắt đáy" trong những ngày qua nay tiếp tục lỗ nặng, có nguy cơ bị call margin.
Ngân hàng hút ròng gần 56.000 tỷ đồng
Thị trường cổ phiếu tăng giảm phụ thuộc chủ yếu vào dòng tiền và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết. Dòng tiền thời gian tới được dự báo vẫn yếu sau khi NHNN tăng mạnh lãi suất điều hành và tiếp tục hút ròng ra khỏi hệ thống.
Ngay sau khi NHNN tăng lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại tầm trung và nhỏ đã tăng khá mạnh lãi suất huy động, thêm 50 đến 100 điểm phần trăm, ở cả kỳ hạn ngắn và dài. Động thái này khiến dòng tiền có xu hướng chảy vào hệ thống ngân hàng, qua đó khiến tiền vào thị trường cổ phiếu có thể suy giảm.
Trong tuần 19-23/9, thống kê cho thấy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút ròng 55,8 nghìn tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng.
Cụ thể, trong tuần, NHNN đã phát hành 60,8 nghìn tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày với lãi suất tăng dần, từ mức 4,65%/năm hồi đầu tuần dần lên 5,5%/năm vào cuối tuần. Đây là mức lãi suất cao hơn hẳn tuần trước và nó ứng với diễn biến điều chỉnh lãi suất điều hành được NHNN công bố hôm 22/9 và hiệu lực từ 23/9 (tăng lãi suất chiết khấu và tái cấp vốn thêm 100 điểm, lên tương ứng 3,5% và 5%... ).
Nghiệp vụ mua kỳ hạn 7 ngày cũng được sử dụng đều đặn, với khối lượng trung bình hàng ngày đạt gần 1.000 tỷ đồng và lãi suất tăng từ 4,5% trong tuần lên 5% vào cuối tuần.
Như vậy, tính trong cả tuần qua, NHNN đã hút ròng 55,8 nghìn tỷ đồng (gần 2,4 tỷ USD) từ thị trường.
Bên cạnh đó, áp lực đáo hạn trái phiếu trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và 2023 cũng có thể khiến thanh khoản trên thị trường cổ phiếu eo hẹp.
Theo VCBS, động thái hợp lý NHNN sẽ là điều chỉnh linh hoạt hơn nữa bao gồm việc tăng lãi suất điều hành, tránh tạo ra khoảng cách quá lớn trong điều hành so với mặt bằng chung xu hướng của nhiều quốc gia lớn. Ngoài ra là việc cân nhắc tăng tỷ giá trung tâm, tăng giá bán ngoại tệ với mức giảm giá phù hợp của đồng VND.
Trong trường hợp tích cực, VN-Index sẽ giữ vững vùng 1.200 điểm để tích lũy ở biên độ hẹp với sự tăng giảm đan xen giữa các nhóm ngành. Ngược lại, nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng thì việc VN-Index giảm dưới 1.200 điểm, xuống dưới quanh 1.180-1.190 điểm là hoàn toàn có thể xảy ra.