Chống tham nhũng "không có vùng cấm": 67 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị - Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật

Thứ bảy, 19/11/2022 | 06:28 Theo dõi CFĐT trên

Tính từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, đó có 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật, trong đó có 5 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng; 7 Bí thư, nguyên Bí thư tỉnh uỷ; 18 Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng; 13 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch tỉnh; 20 sĩ quan cấp tướng...

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chiều 18/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định, thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục được đẩy mạnh, tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức 11 đoàn kiểm tra đối với 30 tổ chức đảng về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Quy định những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương.

Ban Chỉ đạo tổ chức 8 Đoàn kiểm tra chuyên đề công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm và công tác giám định, định giá tài sản; qua kiểm tra đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật; chỉ đạo xử lý 370 vụ án, vụ việc.

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành 26 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; đã xử lý và kiến nghị xử lý kỷ luật 46 tổ chức đảng, 138 đảng viên, trong đó có 16 tổ chức đảng, 29 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; yêu cầu cấp uỷ cấp dưới kỷ luật 22 tổ chức đảng, 126 đảng viên.

Điển hình như các vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền tệ, hàng hoá, đánh bạc, tổ chức đánh bạc xảy ra tại An Giang, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật 13 tổ chức đảng, 22 đảng viên chủ yếu là cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có 03 Giám đốc, nguyên Giám đốc Công an tỉnh; Viện trưởng VKSND tỉnh; Chánh án TAND tỉnh, Chính uỷ và Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh; Cục trưởng Hải quan tỉnh; đồng thời yêu cầu Tỉnh uỷ An Giang xem xét, xử lý kỷ luật 15 tổ chức đảng, 72 đảng viên;

Hay vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, đến nay đã hoàn thành 8/13 cuộc kiểm tra; đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật 16 tổ chức đảng, 56 đảng viên, trong đó có 03 Uỷ viên Trung ương Đảng; yêu cầu tổ chức đảng xem xét, kỷ luật 5 tổ chức đảng, 18 đảng viên.

Đáng chú ý, Tổng Bí thư cho biết, tính từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 7 Uỷ viên Trung ương Đảng, 6 nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng (Gồm: 5 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng; 7 Bí thư, nguyên Bí thư tỉnh uỷ; 2 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; 18 Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng và tương đương; 13 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch tỉnh; 4 nguyên Phó Bí thư thường trực tỉnh uỷ; 20 sĩ quan cấp tướng).

Đặc biệt là, tại Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII vừa qua, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định cho 3 Uỷ viên Trung ương Đảng thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương theo chủ trương mới của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.

Các địa phương đã thực hiện nghiêm chủ trương của Trung ương, xem xét miễn nhiệm, cho từ chức hoặc bố trí công tác khác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, trong đó có cả trường hợp là Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh (Ninh Bình, Phú Yên, Bình Thuận).

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã chuyển 498 vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng gần hai lần so với cùng kỳ năm trước). Riêng ngành Thanh tra, Kiểm toán chuyển 325 vụ.

Tổng Bí thư cho biết, từ sau Phiên họp 21 đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.474 vụ/4.646 bị can, truy tố 2.157 vụ/4.564 bị can, xét xử sơ thẩm 2.198 vụ/4.620 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (trong đó về tham nhũng đã khởi tố mới 414 vụ án, 939 bị can).

Riêng Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo xử lý 108 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đã khởi tố mới, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội rất quan tâm xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, như: Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); các vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty AIC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...;

Đã xử lý nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tỉnh, ủng hộ, đánh giá cao (đã khởi tố, điều tra 15 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Gồm: 4 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng và bí thư tỉnh uỷ; 4 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương, 2 nguyên chủ tịch tỉnh và 5 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); khẩn trương đưa xét xử nhiều vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Cụ thể:

Vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ quan, đơn vị;

Vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra trong việc thực hiện Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà;

Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan;

Vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Nhận hối lộ" xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng;

Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương;

Vụ án "Buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả; đưa hối lộ; nhận hối lộ…" xảy ra tại Đồng Nai và một số địa phương;

Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận.

Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã xử lý hình sự 25 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực; số vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý có chiều hướng tăng cao so với các năm trước; trong 10 tháng đầu năm 2022, các địa phương đã khởi tố mới 382 vụ án tham nhũng (gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước).

Trong đó, các địa phương đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án tham nhũng như: Nghệ An (29 vụ), Hà Nội (28 vụ), Bắc Ninh (19 vụ), Thành phố Hồ Chí Minh (15 vụ), Thái Nguyên (14 vụ), Sơn La (11 vụ), Tuyên Quang (14 vụ), Bắc Giang (13 vụ), Quảng Ninh (11 vụ), Nam Định (11 vụ), Thanh Hoá (11 vụ), Bình Định (11 vụ),...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, mặc dù mới được hình thành và đi vào hoạt động, nhưng các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tích cực, chủ động đưa gần 400 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý. Nhiều địa phương đã khởi tố cả Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở, như: Lào Cai, Phú Yên, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Khánh Hoà, Quảng Ninh,... Điều này cho thấy tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" đã giảm dần; trên làm nghiêm dưới cũng phải nghiêm, không làm cũng không được.

Về công tác thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Bí thư đánh giá công tác này tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong toả tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 160 nghìn tỉ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 16.000 tỉ đồng (tăng 7.000 tỉ đồng so với năm trước).

Minh chứng rõ nhất quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ"

Từ những kết quả nổi bật nêu trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định:

Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm quyết liệt và đồng bộ; quyết liệt, đồng bộ giữa xây và chống. Giữa xây dựng, hoàn thiện thể chế để bịt kín những kẽ hở, lỗ hổng với thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; giữa tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán để phát hiện tham nhũng, tiêu cực với điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; giữa kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự; quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở,...

Xử lý nghiêm minh các sai phạm theo đúng quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai". Việc xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm như vừa qua, trong đó có cả Uỷ viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh và nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự là minh chứng rõ nhất và sắp tới cũng phải làm như vậy; kể cả đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, không thể thoát được sự trừng phạt của pháp luật.

Cùng với xử lý nghiêm sai phạm phải kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm: "Có vào, có ra, có lên, có xuống". Đó là việc bình thường, vừa qua lần đầu tiên chúng ta cho thôi chức đối với 3 Uỷ viên Trung ương Đảng; miễn nhiệm 3 chủ tịch hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân tỉnh.

Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm "nản chí", "chùn bước", sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Tôi đã nhiều lần nói rồi và "Ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm".

Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh", làm "nhụt chí" những người khác.

Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Theo đó, một số vụ án, vụ việc chậm kết thúc xử lý theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Công tác giám định, định giá tài sản trong một số vụ án, vụ việc còn chậm, phối hợp chưa tốt, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ chờ kết quả giám định, định giá.

Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp,... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Công tác tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ vẫn chưa chuyển biến, rất ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra.

Công tác thu hồi tài sản mặc dù làm rất mạnh, tăng cao so với các năm trước, nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn (vẫn còn hơn 74.400 tỉ đồng chưa thu hồi được trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.)

Xuân Hưng
Theo VnMedia.vn Copy
Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND 2 tỉnh

Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND 2 tỉnh

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký các Quyết định phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên.
Hà Nội: Thêm nạn nhân mất tiền tỷ vì 'sập bẫy' cuộc gọi giả mạo công an

Hà Nội: Thêm nạn nhân mất tiền tỷ vì "sập bẫy" cuộc gọi giả mạo công an

Công an huyện Thường Tín (TP Hà Nội) đang xác minh, điều tra vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là gần 1,3 tỷ đồng.
Bổ nhiệm Chánh Văn phòng Ban Nội chính Trung ương

Bổ nhiệm Chánh Văn phòng Ban Nội chính Trung ương

Ban Nội chính Trung ương điều động ông Tạ Văn Giang, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp về công tác tại Văn phòng và bổ nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng Ban.
Lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 19/11

Lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 19/11

Chúng tôi xin sơ lược thông tin sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 19/11 về các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Bí thư Hà Nội: Phải siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật ngân sách

Bí thư Hà Nội: Phải siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật ngân sách

Cảnh báo “sang 2023, khả năng còn khó khăn hơn năm 2022,” Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành của Thành phố phải siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật ngân sách…
Chỉ số giá bất động sản quý III tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều tăng

Chỉ số giá bất động sản quý III tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều tăng

Theo báo cáo mới công bố về Chỉ số Giá Bất động sản của Savills (SPPI) quý III, Chỉ số Giá Bất động sản Nhà ở và Văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM đều có xu hướng gia tăng.
Cartier ra mắt cửa hàng mới tại trung tâm thương mại Union Square

Cartier ra mắt cửa hàng mới tại trung tâm thương mại Union Square

Tọa lạc tại một không gian hoàn toàn mới, cửa hàng có không gian kép đã làm mới sự hiện diện tại thành phố năng động này. Đây là cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam áp dụng phong cách thiết kế nội thất mới nhất của Cartier…
Next-G đến thăm và tặng quà tại Sơn La

Next-G đến thăm và tặng quà tại Sơn La

Ngày 7/10, Quỹ từ thiện Next-G cùng Nhóm thiện nguyện Từ Tâm và các nhà hảo tâm phối hợp với Đồn Biên phòng Chiềng Sơn tổ chức chương trình “Thắp sáng đường biên” và “Phiên chợ 0 đồng” tại xã Tân Xuân, Vân Hồ, Sơn La.
Next-G Foundation đến thăm hỏi gia đình những nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ

Next-G Foundation đến thăm hỏi gia đình những nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ

Ngày 9/10, Quỹ từ thiện Next-G và Tổ thiện nguyện Hoa Sen đã tới thăm hỏi và chia sẻ cùng 10 hộ gia đình là nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini thảm khốc khiến 56 người chết tại Khương Hạ, Hà Nội đêm ngày 12/9.
Next-G Foundation phối hợp với Hội Chữ Thập Đỏ tặng quà xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn

Next-G Foundation phối hợp với Hội Chữ Thập Đỏ tặng quà xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn

Ngày 23/9, Quỹ Next-G phối hợp cùng Hội Chữ Thập Đỏ Quận Hoàn Kiếm, Hội Chữ Thập Đỏ Phường Hàng Trống và Hàng Bạc đã tổ chức chuyến từ thiện, tặng quà cho Nhà văn hóa, UBND xã Kim Lũ, Trường Mẫu Giáo và những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Kim Lũ.
Cafe Khởi nghiệp