Các quốc gia châu Âu đang đồng loạt đưa ra những biện pháp mạnh nhằm ứng phó mức lạm phát cao và chống suy thoái kinh tế.
Các quốc gia châu Âu đang đồng loạt đưa ra những biện pháp mạnh nhằm ứng phó mức lạm phát cao và chống suy thoái kinh tế.
Ngân hàng Trung ương Anh ngày 4/8 đã tăng lãi suất với biên độ lớn nhất trong 27 năm qua. Cùng ngày, Italy công bố gói hỗ trợ hơn 17 tỷ USD để ngăn đà tăng giá hàng hoá. Các quốc gia châu Âu đang đồng loạt đưa ra những biện pháp mạnh nhằm ứng phó mức lạm phát cao và chống suy thoái kinh tế.
Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất cơ bản lên 1,75%. Quyết định đưa ra sau khi mức lạm phát năm nay tại Anh được dự báo lên đến 13%. Việc tăng lãi suất sẽ khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất cao và kiềm chế lạm phát.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, ông Andrew Bailey lý giải về việc đưa ra biện pháp mạnh này: “Đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% vẫn là ưu tiên tuyệt đối. Đã có một số dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát đang trở nên lâu hơn và mở rộng sang các lĩnh vực nội địa. Nguy cơ giá năng lượng tiếp tục tăng. Lạm phát có thể cao hơn và kéo dài trong 18 tháng tới. Điều này sẽ gây ra áp lực đối với giá cả và tiền lương và khó kéo lạm phát quay trở lại mục tiêu 2%”.
Trong một động thái nhằm giảm lạm phát, Italy công bố gói hỗ trợ trị giá hơn 17 tỷ USD, trong đó có giảm chi phí tiêu thụ điện và khí đốt cho các hộ gia đình có mức thu nhập thấp và trung bình. Chính phủ Italy cũng gia hạn gói biện pháp giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu thêm 1 tháng. Những biện pháp này được kỳ vọng sẽ ngăn đà tăng giá hàng hoá hiện nay.
Trước đó 1 ngày, Quốc hội Pháp thông qua gói hỗ trợ trị giá hơn 20 tỷ USD để tăng lương hưu, cho phép các công ty trả tiền thưởng miễn thuế cao hơn cho nhân viên, gia hạn hỗ trợ giá nhiên liệu.
“Chính sách đầy tham vọng mà quốc hội Pháp đang đưa ra để tiếp tục cải thiện cuộc sống hàng ngày của người Pháp. Do cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại, cuộc xung đột ở Ukraine. Với mức lạm phát chưa từng có kể từ năm 1985, quốc hội Pháp phải hành động nhanh chóng và hiệu quả”, Nghị sĩ Christine Le Nabour cho biết.
Như vậy, chỉ trong 2 ngày qua, các nền kinh tế phát triển của Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt công bố biện pháp mạnh nhằm kiềm chế lạm phát và ngăn suy thoái kinh tế. Quyết định được đưa ra sau khi Cục Thống kê của Liên minh Châu Âu Eurostat ghi nhận tỷ lệ lạm phát hàng năm ở các nước châu Âu sử dụng đồng Euro đã tăng lên mức kỷ lục 8,9% vào tháng 7 vừa qua.
Đây là mức cao nhất kể từ khi khu vực đồng euro được thành lập vào năm 1999. Trong bối cảnh EU đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển của thế giới, việc EU sử dụng các công cụ kinh tế mạnh báo hiệu một tương lai nhiều thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu.