Hàng loạt điểm kinh doanh cầm đồ của chi nhánh Công ty Cổ phần kinh doanh F88 tại Thanh Hóa vừa bị UBND thành phố Thanh Hóa xử phạt hành chính với tổng số tiền 108 triệu đồng.
Hàng loạt điểm kinh doanh cầm đồ của chi nhánh Công ty Cổ phần kinh doanh F88 tại Thanh Hóa vừa bị UBND thành phố Thanh Hóa xử phạt hành chính với tổng số tiền 108 triệu đồng.
Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thông qua bạn bè, em T.T.A, sinh năm 1999, xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa sang Campuchia để tìm kiếm “việc nhẹ lương cao”. Tuy nhiên sau khi sang đến nơi, mới biết công việc không như mong muốn, thậm chí hằng ngày còn bị ngược đãi và ép buộc làm việc trong nhiều giờ liên tục nên đã liên hệ với gia đình gửi tiền sang để chuộc thân.
Thương con, chị L.T.V đã chạy vạy khắp nơi để có tiền chuộc con. Do nóng lòng nên chị đã thông qua môi giới trên mạng xã hội để nhờ các đối tượng tìm cách đưa con về. Tuy nhiên, đó là “bẫy” lừa đảo mà các đối tượng đã giăng ra để chiếm đoạt tài sản của gia đình chị. Qua 2 lần gửi tiền với số tiền hàng trăm triệu đồng cho các đối tượng, con trai chị vẫn không thể trở về nước, còn các đối tượng, sau khi chiếm đoạt được tiền của gia đình đã cắt hết mọi liên lạc. Đến giữa năm 2022, sau khi bị bán qua nhiều công ty khác nhau bên Camphuchia, con trai chị mới được chuộc về với số tiền nộp phạt gần 300 triệu đồng.
Không riêng gì trường hợp của T.T.A, qua công tác rà soát, nắm tình hình, Công an tỉnh Thanh Hóa còn phát hiện nhiều trường hợp khác là những lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc, Camphuchia… là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Thủ đoạn của các đối tượng thường lợi dụng tâm lý muốn nhanh chóng trở về nước của những lao động trái pháp luật là người Việt Nam ở nước ngoài đã đăng tải thông tin quảng cáo trên mạng xã hội cung cấp dịch vụ làm hộ chiếu, thị thực, chuộc người và đưa về Việt Nam. Sau khi củng cố được niềm tin, chiếm đoạt được tài sản (tiền chuộc) của các bị hại, các đối tượng lập tức cắt đứt mọi liên lạc và chủ động thông báo cho lực lượng chức năng nước sở tại bắt giữ những lao động này.
Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Phòng an ninh đối ngoại Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Những người sang nước ngoài lao động trái phép phải đối mặt với rất nhiều rủi ro mà các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, cảnh báo rất nhiều trong thời gian qua. Hiện tại số công dân Thanh Hóa lao động trái phép tại nước ngoài tuy còn rất ít, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên nhiều người muốn trở về nước. Lợi dụng nhu cầu này, nhiều đối tượng đã lợi dụng không gian mạng để quảng cáo là có thể lo thủ tục, giấy tờ và đưa họ trở về nước an toàn để chiếm đoạt tài sản. Chỉ tính từ cuối năm 2022 đến nay, Phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 4 trường hợp là công dân Thanh Hóa lao động trái phép ở nước ngoài đã bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua sự việc xảy ra ở trên, cơ quan công an khuyến cáo đến người dân, đặc biệt là những người lao động trái phép, người thân của những lao động này cần tỉnh táo, không nghe, không tin theo những lời hứa hẹn, quảng cáo của các đối tượng để tránh gặp phải tình trạng “tiền mất, tật mang”. Khi muốn trở về nước thì cần liên hệ với các cơ quan chức năng để có biện pháp tháo gỡ, xử lý.