Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông bày tỏ nhất trí với Tờ trình Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Theo đại biểu, tỉnh Khánh Hòa có vị trí, tiềm năng, lợi thế đặc biệt, tuy nhiên một số vùng, địa phương của tỉnh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội. Để đạt được đưa tỉnh Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, cần có chính sách hỗ trợ cao hơn thì mới đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu phát triển đặt ra. Đi vào các nội dung cụ thể, về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đại biểu nhấn mạnh, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, vấn đề an ninh lương thực và chống biến đổi khí hậu rất cần được quan tâm, không chỉ thực hiện trong hiện tại mà còn phải có tầm nhìn dài hạn. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần cân nhắc thận trọng khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, cần phải giới hạn trong tầm kiểm soát và phải nằm trong tổng thể quy hoạch đất quốc gia.
Về vấn đề thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm, đại biểu cho rằng chưa thỏa đáng khi được áp dụng một chính sách như nhau với hai địa bàn cách xa nhau về điều kiện tự nhiên, dân cư và các yếu tố kinh tế xã hội khác. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu ban hành chính sách riêng cho phù hợp với thực tế, đảm bảo tính khả thi của chính sách khi Nghị quyết được ban hành.
Bày tỏ quan điểm đồng tình sự cần thiết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Khánh Hòa có nhiều tiềm năng nếu có cơ chế chính sách đặc thù để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội thì rất khó đến năm 2030 là trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết chính của Bộ Chính trị.
Đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù cho tỉnh Kiên Giang và tỉnh Quảng Ninh – hai địa phương có nhiều điểm tương đồng giống với tỉnh Khánh Hòa. Về chính sách đặc thù tương đồng với các địa phương khác đã được Quốc hội cho phép, đại biểu nhất trí với các chính sách về quản lý tài chính, ngân sách, quy hoạch đất đai theo đang vận hành tốt Tờ trình của Chính phủ và cơ quan thẩm tra. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Bộ, ngành chuyên môn kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, phòng, an ninh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được chuyển mục đích.
Bên cạnh đó, việc cho phép huyện, thị, thành phố của tỉnh sử dụng ngân sách của mình để quản lý, hỗ trợ huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh là cần thiết vì đây là hai huyện nghèo, có đông đồng bào dân tộc thiểu số để hai này theo kịp để phát triển kinh tế xã hội và các lĩnh vực an sinh xã hội khác với các huyện trong thành phố của tỉnh trong khi ngân sách cấp trên hỗ trợ có hạn.
Về phát triển Khu kinh tế Vân Phong đã trở thành động lực phát triển của các tỉnh Nam Trung Bộ, Cam Lâm trở thành khu đô thị, sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế. Khu kinh tế Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, đại biểu thống nhất theo Tờ trình cũng như Báo cáo thẩm tra là phải có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, theo tờ trình cho phép thời gian chuyển nhượng dự án như trong dự thảo là ngắn, có thể dẫn đến lợi dụng chính sách đầu tư, không thực hiện dự án theo phê duyệt, mà chờ đợi nhà đầu tư khác để chuyển nhượng, hưởng chênh lệch…
Tham gia thảo luận, đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là cần thiết, nhằm thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển nêu tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, khắc phục những hạn chế, yếu kém và tạo cơ chế, chính sách đột phá để huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần đạt được các mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra.
Theo đại biểu, Nghị quyết đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đó là những chính sách cần thiết, hợp lý, có tính đột phá cao, quan trọng hơn nhiều lần so với việc tăng ngân sách một cách cơ học.
Về chính sách giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư, đại biểu đề nghị Quốc hội cho thí điểm mở rộng cho tất cả các dự án nhóm B được phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công thành dự án độc lập do Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Về quy định cho phép sử dụng ngân sách cấp huyện trong tỉnh Khánh Hòa để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh, dự thảo Nghị quyết quy định: “Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định cho phép các huyện, thị xã, thành phố được sử dụng ngân sách cấp huyện, thị xã, thành phố và các nguồn hợp pháp khác của Tỉnh để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.”
Đại biểu cho rằng phạm vi hỗ trợ như quy định còn hẹp, đề nghị quy định cho phép các đơn vị cấp huyện của tỉnh Khánh Hòa được hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh đối với hai huyện này, không phải chỉ trong phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.