Bài viết của Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh, lý giải về sự nhầm lẫn của nhiều nhà đầu tư khi tính tỷ suất lợi nhuận của cổ phiếu.
Bài viết của Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh, lý giải về sự nhầm lẫn của nhiều nhà đầu tư khi tính tỷ suất lợi nhuận của cổ phiếu.
Bài viết này cũng sẽ được in trong sách “Đầu tư Chứng khoán, cờ bạc trí tuệ hay tích luỹ tài chính”, phát hành tháng 11/2022.
Thỉnh thoảng tôi viết bài về đầu tư chứng khoán dài hạn vào cổ phiếu cơ bản, cổ phiếu giá trị thì lại có người vào comment (bình luận) giá cổ phiếu trong dài hạn có lên đâu mà đầu tư. Thật ra thì nhiều người đã nhầm lẫn. Họ không tính đúng Tỷ suất Lợi nhuận (TSLN) của cổ phiếu trong dài hạn.
Hình bên trái là TSLN của các cổ phiếu, tính theo giá đóng cửa của các cổ phiếu.
Tính theo cách “sai” đó thì TSLN trong 5 năm qua của các cổ phiếu như sau, ACB: 36%, MWG: -10%, FPT: 127%, PNJ: 24%, HPG: 41%.
Thật ra thì tính như vậy là không đúng. Vì đã bỏ qua việc chia cổ tức bằng tiền, chia cổ tức bằng cổ phiếu, chi tách cổ phiếu của các cổ phiếu đó trong 5 năm qua. Chúng ta phải dùng Giá đóng cửa điều chỉnh để tính mới đúng.(Hình bên phải)
Tính theo giá đóng cửa điều chỉnh là giá đã điều chỉnh theo cổ tức, chia tách cổ phiếu thì TSLN đúng trong 5 năm qua của các cp cao hơn cách tính sai rất nhiều. Cụ thể như sau: ACB: 264%, MWG: 154%, FPT: 427%, PNJ: 180%, HPG: 356%
** Tôi sẽ dùng trường hợp cổ phiếu ACB để giải thích cơ bản về việc tính giá đóng cửa điều chỉnh của cổ phiếu.
Lịch chia cổ tức của cổ phiếu ACB trong 5 năm qua:
– 10/06/2021: Cổ tức bằng Cổ phiếu, tỷ lệ 100:25
– 20/08/2020: Cổ tức bằng Cổ phiếu, tỷ lệ 100:30
– 25/07/2019: Cổ tức bằng Cổ phiếu, tỷ lệ 100:30
– 06/09/2018: Cổ tức bằng Cổ phiếu, tỷ lệ 100:15
– 20/03/2018: Cổ tức bằng Cổ phiếu, tỷ lệ 100:10
Giá cổ phiếu ACB ngày 22,700 đ/CP. Giả sử tôi mua 100 cổ phần. Tổng giá trị sẽ là 2,270,000 đ
– Ngày 20/3/2018, ACB chia cổ tức bằng CP, 100: 10. Tôu đang có 100 CP, vậy tôi được tặng 10. Số CP của tôi sau chia là 110
– Ngày 6/9/2018, ACB chia cổ tức bằng CP, 100: 15. Tôi đang có 110 CP, vậy tôi được tặng = 110*15/100 = 16.5. Số CP của tôi sau chia là 126.5
– Ngày 25/7/2019, ACB chia cổ tức bằng CP, 100: 30. Tôi đang có 126.5 CP, vậy tôi được tặng = 126.5*30/100 = 37.95. Số CP của tôi sau chia là 164.45
– Ngày 20/8/2020, ACB chia cổ tức bằng CP, 100: 30. Tôi đang có 164.45 CP, vậy tôi được tặng = 164.45*30/100 = 49.34. Số CP của tôi sau chia là 213.79
– Ngày 10/6/2021, ACB chia cổ tức bằng CP, 100: 25. Tôi đang có 213.79 CP, vậy tôi được tặng = 213.79*25/100 = 53.45. Số CP của tôi sau chia là 267.23
– Giá ngày 26/4/2022 là 30,900/CP.
Vậy tổng giá trị của 267.23 cổ phiếu này bằng = 267.23 cp * 30,900 đ/cp = 8,257,445.63
Giá trị ngày 26/4/2017 = 2,270,000 đ
Giá trị ngày 26/4/2022 = 8,275,446 đ
Lợi nhuận cho cả 5 năm đó = (8,257,446 – 2,270,000) / 2,270,000 = 263% (263% / 5 năm, tương đương lãi kép 29.5%/năm)
Bây giờ chúng ta tính ra 1 cái giá đóng cửa điều chỉnh tại ngày 26/4/2022 để thể hiện rằng ACB đã đạt lợi nhuân 263% trong 5 năm qua.
Giá đóng cửa điều chỉnh của ACB ngày 26/4/2017 sẽ là = 30,900 / (1+263%) = 8,500 đ
Các bạn vào Cafef, vào lịch sử giá cổ phiếu ACB sẽ thấy Giá đóng cửa điều chỉnh này của ACB.
Trường hợp của ACB chỉ chia bằng cổ phiếu thì tính dễ dàng như vậy. Còn những trường hợp có chia cổ tức bằng tiền, thì phải tính toán chi li hơn vì tiền phải được sinh ra tiền. Khi đó chúng ta phải dựng File Exel có giá từng ngày, và đưa có cổ tức theo đúng ngày chia. Bài sau tôi sẽ hướng dẫn rõ cách tính khi có công ty chia cổ tức bằng tiền.
Giá đóng cửa điều chỉnh là con số quan trọng, vì nó thể hiện đúng tỷ suất lợi nhuận và rủi ro của cổ phiếu. Trong file lịch sự giá cổ phiếu của nước ngoài, kế giá Close (Giá đóng cửa) là giá đóng cửa điều chỉnh (Adjusted close).
Vài năm gần đây, thị trường Việt Nam đã quan tâm nhiều hơn đến giá đóng của điều chỉnh. Chẳng bù với trước đây. Năm 2007, cách đây 15 năm, tôi viết bài “Giá đóng cửa điều chỉnh, tầm quan trọng và cách tính”, chả ai quan tâm. Giờ thì một số web tài chính, công ty chứng khoán đã xây dựng giá đóng cửa điều chỉnh. Có thể nói rằng, nếu chưa biết về giá đóng cửa điều chỉnh thì chưa thật sự chủ động đầu tư dài hạn. Các bạn search Google để tìm hiểu thêm, và chờ bài mới từ tôi nhé.
** Bài này dùng ví dụ của 1 số cổ phiếu cơ bản, tăng giá trong 5 năm qua. Tuy vậy, tôi xin được có 2 chú ý đặc biệt sau:
1) Việc 5 cổ phiếu này có TSLN tốt trong 5 năm qua, không đảm bảo chúng sẽ có lợi nhuận tốt trong những năm tới. Cần thêm 1 số điều kiện để chúng tiếp tục có TSLN tốt.
2) Không phải cổ phiếu nào cũng có TSLN tốt trong dài hạn. Có rất nhiều cổ phiếu có TSLN thấp, thậm chí âm trong dài hạn. Quan trọng nhất để cổ phiếu tăng giá, có TSLN cao là doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận tốt, và tăng trưởng. Do đó cần phải biết lựa chọn cổ phiếu/ doanh nghiệp.
Tham khảo thêm các bài về đầu tư chứng khoán của tác giả Lâm Minh Chánh tại Bizuni.vn.