Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề cập vấn đề này tại lễ ký kết chương trình phối hợp về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động ngày 12/4 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề cập vấn đề này tại lễ ký kết chương trình phối hợp về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động ngày 12/4 tại Hà Nội.
Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH và 4 cơ quan đồng tổ chức, gồm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chương trình phối hợp được ký kết với nhiều nội dung nhất từ trước tới nay. Điều này thể sự quyết tâm chính trị rất lớn của các bên, góp phần ổn định an sinh xã hội, nhằm mục tiêu đảm bảo an sinh, từ đó đáp ứng yêu cầu an dân.
Mục tiêu của chương trình hợp tác nhằm triển khai quyết liệt, hiệu quả, bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.
Chương trình hợp tác nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, kết nối tốt cung cầu và phát triển thị trường lao động bền vững, cung ứng kịp thời lao động có chất lượng cho thị trường.
Đồng thời, các bên cũng kỳ vọng tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là chính sách bảo hiểm xã hội, đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người lao động.
Để triển khai được mục tiêu này, Bộ trưởng lưu ý, các bên cần chú trọng xây dựng tầm nhìn dài hạn, hành động mau lẹ và bắt đầu từ công việc cụ thể.
Đồng thời, việc triển khai cần thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo đồng thuận, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển, tạo việc làm và đời sống cho người lao động. Trên cơ sở đó, người lao động sẽ cùng phấn đấu để xây dựng doanh nghiệp tốt hơn.
"Tôi tin rằng trên kết quả của sự đồng thuận từ lễ ký này, các bên sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành công điện để chỉ đạo thực hiện các nội dung ký kết trên quy mô toàn quốc", Bộ trưởng cho biết.
Cũng tại cuộc ký kết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ những kết quả triển khai chính sách an sinh trong giai đoạn khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Theo đó, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với nhiều Bộ, ngành tham mưu tới Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều chủ trương chính sách, trong đó có nhiều chính sách chưa có tiền lệ nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất và ổn định công ăn việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.
"Tới nay, thông qua việc thực hiện Nghị quyết 42 và Nghị quyết 68, 9 nhóm chính sách do trung ương và địa phương triển khai, qua đó giải ngân khoảng 80 ngàn tỷ đồng và 50 triệu lượt người đã được thụ hưởng chính sách", lãnh đạo Bộ cho biết.
Về việc thực hiện Nghị quyết 116 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, thông tin cập nhật, khoảng 40.000 tỷ đồng đã được giải ngân kịp thời.
So sánh với việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vay, Bộ trưởng phân tích: "Năm 2020, chỉ có khoảng 4 tỷ đồng được giải ngân theo Nghị quyết 42 nhằm giúp doanh nghiệp vay tiền để trả lương. Nhưng tới khi thực hiện Nghị quyết 68 trong năm 2021, chúng ta đã giải ngân được khoảng 4.700 tỷ đồng, đạt 68% trong một thời gian rất ngắn…".
Tiếp sau đó, Đảng, Nhà nước và Chính phủ ban hành tiếp nghị quyết về phục hồi kinh tế xã hội với nhóm chính sách liên quan đến an sinh liên quan đến xã hội gồm hỗ trợ tiền lương, tiền thuê nhà cho 2 nhóm người lao động với khoảng 3,4-3,8 triệu người lao động nhằm sớm phục hồi thị trường lao động…
Có thể thấy rằng, tất cả những chính sách này chưa bao giờ có tiền lệ. Trong đó, điều lo lắng nhất đó là không chỉ là đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.
Đánh giá về tình trạng một bộ phận người lao động chuyển sang hưởng bảo hiểm xã hội một lần, lãnh đạo Bộ nhận định có 3 nguyên nhân: Đời sống của một số người lao động còn khó khăn do tác động của Covid-19 gây nên và khiến họ tạm tìm tới nguồn tài chính ban đầu mà chưa thấy được hậu quả lâu dài của việc rút BHXH một lần; chính sách tuyên truyền, phổ biến về bảo hiểm xã hội chưa đầy đủ khiến người dân chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin nên quyết định "rút sổ"; một số cá nhân còn lợi dụng để mua, bán sổ bảo hiểm xã hội và gây nên tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội.
"Thực tế này sẽ tạo hệ lụy rất lớn về an sinh xã hội sau này. Chúng ta sẽ nghiên cứu kiên quyết xử lý nghiêm tất cả các trường hợp trá hình nhằm trục lợi bảo hiểm xã hội, lợi dụng lúc khó khăn của công nhân", Bộ trưởng khẳng định.
Bộ cũng sẽ đề xuất Chính phủ sớm tổng kết tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần theo Nghị quyết 93 Quốc hội, qua đó xem xét báo cáo với Quốc hội nhằm điều chỉnh cho phù hợp thực tế...