CNBC dẫn cảnh báo của một chuyên gia cho rằng bitcoin có thể sẽ còn giảm sâu hơn nữa nếu tình trạng bong bóng của tiền điện tử không còn xảy ra.
CNBC dẫn cảnh báo của một chuyên gia cho rằng bitcoin có thể sẽ còn giảm sâu hơn nữa nếu tình trạng bong bóng của tiền điện tử không còn xảy ra.
Nói với CNBC, ông Ian Harnett, đồng sáng lập kiêm giám đốc đầu tư của Absolute Strategy Research, cảnh báo đồng tiền điện tử hàng đầu thế giới có thể giảm về mức 13.000 USD, tức thấp hơn 40% so với mức hiện tại.
Vì vậy, ông cho biết, trong bối cảnh này công ty ông vẫn tiếp tục bán ra các loại tiền điện tử.
"Đó thực sự là một trò chơi thanh khoản. Những gì mà chúng tôi nhận ra không phải là tiền tệ hay một loại hàng hóa và chắc chắn cũng không phải nơi lưu trữ giá trị", ông nói.
Giải thích về nhận định bi quan này, ông Harnett cho biết các đợt tăng giá của tiền điện tử cho thấy bitcoin có xu hướng giảm khoảng 80% so với mức cao nhất mọi thời đại. Lấy ví dụ, năm 2018, đồng tiền điện tử đã giảm về mức 3.000 USD sau khi đạt đỉnh gần 20.000 USD vào cuối năm 2017.
Theo ông Harnett, sẽ có một cú giảm sâu như vậy trong năm nay đưa bitcoin về mức khoảng 13.000 USD, mốc hỗ trợ quan trọng của đồng tiền mã hóa này. Trước đó, bitcoin đã tăng lên mức kỷ lục gần 69.000 USD vào năm 2021, thời đỉnh điểm của cơn sốt tiền điện tử.
Ông Harnett cho rằng, trong một thế giới mà thanh khoản dồi dào, các bitcoin trong thế giới này đều trở nên hấp dẫn. Nhưng khi thanh khoản bị lấy đi, như những gì mà các ngân hàng trung ương làm lúc này, thì các thị trường đều chịu áp lực cực lớn.
Thế giới tiền điện tử đang ngấp nghé bờ vực sụp đổ khi các nhà đầu tư vật lộn với tác động lãi suất cao hơn đối với những tài sản đã bùng phát trong thời kỳ tiền tệ lỏng lẻo.
Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất cho vay chuẩn thêm 0,75%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994. Sau quyết định này, một loạt các Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng có động thái tương tự.
Điều này đã tác động mạnh đến các tài sản điện tử. Chỉ riêng 2 tuần qua, giá trị các loại tiền điện tử đã giảm hơn 350 tỷ USD. Bitcoin hiện giao dịch quanh mốc 20.000 USD, giảm hơn 50% kể từ đầu năm đến nay.
Đà bán tháo trên thị trường tiền điện tử một phần đến từ áp lực kinh tế vĩ mô, bao gồm lạm phát gia tăng theo hình xoắn ốc và việc Fed liên tiếp tăng lãi suất. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp tiền điện tử sa thải nhân sự cùng với một số tên tuổi nổi tiếng trong ngành đối mặt với khả năng mất thanh khoản cũng phần nào khiến thị trường rơi vào khủng hoảng.
Ngày 13/6, Celsius - một công ty cho vay tiền điện tử lớn - đã gây sốc khi tuyên bố tất cả các hoạt động rút tiền, đổi tiền và chuyển tiền giữa các tài khoản đã bị tạm dừng do "điều kiện thị trường khắc nghiệt".
Thông tin này đã khiến thị trường tiền điện tử hỗn loạn. Nhưng "rủi ro này dường như mới chỉ bắt đầu", John Todaro, Phó Chủ tịch của công ty nghiên cứu về tài sản tiền điện tử và blockchain Needham, nói.
Trong khi đó, các sàn giao dịch tiền điện tử nổi tiếng như Coinbase, Crypto.com, Gemini đồng loạt thông báo sa thải nhân sự và cắt giảm chi phí khi các nhà đầu tư xa lánh tài sản rủi ro này khiến khối lượng giao dịch giảm mạnh.
Một số ý kiến cho rằng tiền điện tử có thể phải mất một thời gian mới có thể hồi phục được sau đợt bán tháo ồ ạt này.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở thời kỳ giá giảm kéo dài. Chúng ta đang đi xuống bằng thang máy và sẽ phải đi lên bằng thang bộ hoặc thoát ra ngoài bằng cách xây dựng các tiện ích thực sự", bà Jill Gunter, đồng sáng lập kiêm giám đốc chiến lược của Espresso Systems, nói với CNBC.