1. Sử dụng vốn tự có
Trong giai đoạn mà tất cả những gì bạn có trong tay chỉ là những ý tưởng, hãy sử dụng các nguồn tài chính của riêng bạn, chẳng hạn như tiền từ tài khoản tiết kiệm hoặc sử dụng cẩn thận thẻ tín dụng cá nhân. Việc triển khai khôn ngoan nguồn tài chính quý giá(và ít ỏi) này là rất quan trọng.
2. Bạn bè và Gia đình
Khi bạn không thể xoay sở để có thêm tài chính, nhưng doanh nghiệp đang phát triển của bạn cần thêm nguồn vốn, hãy cân nhắc việc mời gia đình và bạn bè đầu tư vào công ty của bạn. Trong hầu hết các trường hợp, gia đình hoặc người thân đang đầu tư vào chính bản thân bạn chứ không phải việc kinh doanh của bạn. Cả hai bên nên coi khoản đầu tư này như một khoản tài trợ không có ràng buộc.
Nếu doanh nghiệp thành công, phần thưởng cho những người chấp nhận rủi ro này sẽ là một cử chỉ tốt đẹp (một lời cảm ơn?). Đùa thôi, hãy làm việc đến chết để trả nợ cho gia đình và người thân của mình.
3. Huy động vốn từ cộng đồng (crowdfunding)
Có thể bạn chưa từng nghe đến huy động vốn cộng đồng, vì nó khá mới ở Việt Nam, tuy nhiên phương pháp này khá phổ biến ở nước ngoài. Trên thực tế, ở Việt Nam có không ít những trường hợp huy động vốn từ cộng đồng mà bạn có thể đã biết như những lần kêu gọi hỗ trợ từ thiện của người nổi tiếng (Thủy Tiên, "thủ tướng lũ"...) ủng hộ đồng bào miền trung... Nhưng đối với Startup tì việc kêu gọi vốn từ cộng đồng nhằm mục đích hỗ trợ cho doanh nghiệp của chính bạn.
Huy động vốn từ cộng đồng tạo cơ hội cho các Startup hay các doanh nghiệp cần huy động một số vốn lớn từ cộng đồng, hay cụ thể hơn là bất kỳ ai có tiền đều có thể đầu tư.
Toàn bộ số tiền được ủng hộ sẽ chuyển về chủ sở hữu của chủ dự án kêu gọi gây quỹ cộng đồng. Khi gây quỹ thành công, số tiền sẽ được dùng để hoàn thành dự án và phát triển công ty. Trong trường hợp gọi vốn không thành công, số tiền ủng hộ sẽ được chuyển trả lại cho từng nhà đầu tư cá nhân.
Hiện nay, các startup và doanh nghiệp thường gọi vốn trên các crowdfunding platforms hay các trang web gây quỹ cộng đồng. Nổi bật đó là các trang nước ngoài như Kickstarter hay IndieGoGo.
=> Xem thêm: Các trang web gọi vốn cộng đồng (crowd funding) ở Việt Nam mà bạn nên biết
4. Nhà đầu tư thiên thần
Khi doanh nghiệp của bạn đạt đến mức tăng trưởng tiếp theo và bạn thấy doanh thu ổn định, hãy bắt đầu tiếp cận các nhà đầu tư “thiên thần” sành sỏi nếu bạn cần thêm vốn. Những cá nhân giàu có này cung cấp vốn cho việc khởi nghiệp kinh doanh thường để đổi lấy nợ có thể chuyển đổi hoặc vốn sở hữu.
Những nhóm thiên thần này có thể được tìm thấy trong hầu hết các cộng đồng và trên Internet, với mô tả về mục đích và mục tiêu của họ. Sau khi thực hiện thẩm định, các nhóm này sẽ xác định xem doanh nghiệp của bạn có đáp ứng các yêu cầu của họ hay không và nếu có, sẽ lên lịch một cuộc gặp mặt nhằm thu thập thêm dữ liệu. Ở giai đoạn kinh doanh này, các thiên thần trở thành những nhà đầu tư và chủ sở hữu rất thực tế và nghiêm túc với những kỳ vọng cao nhằm tìm kiếm một kết quả vững chắc.
5. Khoản vay ngân hàng
Trong giai đoạn sau của một doanh nghiệp đang phát triển, doanh nghiệp hiện đã thành lập có thể cần một khoản vay ngân hàng cho các nhu cầu khác nhau, bao gồm cả vốn hoạt động và tăng trưởng dài hạn.
Để đảm bảo khoản vay này, các tổ chức tài chính sẽ yêu cầu thông tin tài chính trong vài năm về cả doanh nghiệp và doanh nhân. Họ sẽ muốn có tài sản thế chấp để đảm bảo khoản vay. Theo thời gian, ngân hàng sẽ trở nên quen thuộc với doanh nghiệp của bạn, và bạn sẽ dễ dàng tiếp cận các sản phẩm nội bộ của ngân hàng hoặc tìm kiếm các khoản vay khi cần.
6. Quỹ đầu tư mạo hiểm
Nếu Startup của bạn đang tìm kiếm một số nguồn tài trợ nghiêm túc (ít nhất là 1 triệu đô la), đây là lúc bạn tìm đến các Quỹ đầu tư mạo hiểm. Các quỹ đầu tư mạo hiểm có nhiều khả năng sẽ yêu cầu một kế hoạch kinh doanh chuyên sâu và kín kẽ, nhưng họ cũng có thể mang lại cho bạn số tiền lớn hơn.
Các Quỹ đầu tư mạo hiểm thường đầu tư vào một số công ty khác nhau cho khách hàng của họ và hy vọng kiếm tiền từ một (hoặc tất cả) trong số đó để hoàn trả các khoản đầu tư của khách hàng. Điều đó có nghĩa là họ có ánh mắt rất già đời đối với lĩnh vực kinh doanh và bạn phải làm cho doanh nghiệp của mình trở nên nổi bật trong mắt họ. Ngoài ra, bạn nên biết rằng các Quỹ đầu tư mạo hiểm đang tìm kiếm lợi nhuận từ 3-10 lần khoản đầu tư ban đầu của họ, thường là trong vòng 5-7 năm tới, vì vậy tốt nhất bạn nên có chiến lược rút lui an toàn.
Cách tốt nhất để có các cuộc gặp với các Quỹ đầu tư mạo hiểm là thông qua lời giới thiệu từ các doanh nhân hoặc nhà đầu tư khác. Như vậy, nếu bạn quyết định thu hút sự quan tâm từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thì đã đến lúc tận dụng các mối liên hệ của mình.