Theo khảo sát, lãi vay tuy giảm nhưng chưa theo kịp sự đi xuống của lãi tiết kiệm, khiến nhiều ngân hàng hưởng lợi.
Theo khảo sát, lãi vay tuy giảm nhưng chưa theo kịp sự đi xuống của lãi tiết kiệm, khiến nhiều ngân hàng hưởng lợi.
Chiều 7/1, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú chỉ ra, trong 2020 nhiều ngân hàng tung hàng hoạt gói tín dụng, song thực chất chỉ mang tính hình thức thay vì mạnh mẽ triển khai.
Cùng với đó, hiện một số ngân hàng vẫn giữ lãi suất cũ, với các khoản vay trung- dài hạn chưa đến kỳ trả nợ khiến nhiều người phải đi vay với lãi cao. Chênh lệch lãi huy động và cho vay lớn khi lãi huy động bình quân chỉ 3-5%, trong khi nhiều khoản khác treo lãi tới 9-10%.
"NHNN ba lần giảm lãi điều hành, mở cơ hội giúp nhà băng có nguồn vốn giá rẻ, không lý gì ngân hàng lại cho người dân, doanh nghiệp vay lãi cao. Đây là cơ hội giảm lãi suất cho vay với khách hàng chứ không phải để ngân hàng hưởng lợi nhờ biên lợi nhuận cao", Phó thống đốc nêu quan ngại.
Hiện, khoản vay dưới 6 tháng giữ mức lãi suất 4,8-6,5%/năm. Khoản vay từ 6-12 tháng, lãi 5,5-7,5%. Dù hạ tối đa 3% lãi suất, nhưng vẫn còn nhiều khoản cho vay cũ treo ở mức lãi 9-10%.
Fiin Group thực hiện khảo sát, chỉ ra lãi vay tuy giảm nhưng chưa theo kịp sự đi xuống của lãi tiết kiệm, khiến nhiều ngân hàng hưởng lợi. Ngoài ra, biên lãi ròng (NIM), tức phần trăm chênh lệch thu nhập - chi phí của 21 ngân hàng niêm yết quý III/2020, đạt 0,89%. Đây là trị số NIM cao nhất, với mức tăng 9,7 điểm cơ bản so với quý II/2020.
Phó thống đốc nhấn mạnh, sắp tới, thanh tra NHNN thực hiện chương trình lấy chỉ tiêu giảm lãi suất là một yếu tố đánh giá ngân hàng làm tốt hay chưa. Các ngân hàng cần chủ động xem xét lại khoản vay cũ để điều chỉnh lãi thấp hơn.
Kể từ thời điểm Covid-19 tràn vào Việt Nam, NHNN đã yêu cầu 4 nhà băng có vốn nhà nước chi phối gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank phải giảm 40% lợi nhuận năm 2020 để hạ lãi suất cho vay. Theo đó, các nhà băng này cũng dành ra xấp xỉ 4.000- 6.000 tỷ lợi nhuận để có các đợt giảm lãi suất cho vay khách hàng.
Tuy nhiên, mức giảm này trên thực tế tại cả Vietcombank, VietinBank hay BIDV cũng chưa chiếm tới 20% con số lợi nhuận từ vài nghìn tỷ đến hàng chục nghìn tỷ của các nhà băng này.
Hôm qua, Vietcombank xác nhận ngân hàng thực hiện 5 đợt giảm lãi suất cùng với việc giảm các loại phí dịch vụ trong năm. Nhà băng giảm khoảng 4.000 tỷ lợi nhuận hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đến cuối 2020, Vietcombank tăng trưởng dư nợ tín dụng 14% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ dư nợ tín dụng bán lẻ được đẩy mạnh, tăng từ mức 50,6% hồi đầu năm lên 53,5% tổng dư nợ. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0,77% hồi đầu năm xuống còn 0,6%.