Dự kiến đến ngày 8/3 tới đây, những liều vắc xin Covid-19 đầu tiên sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra.
Dự kiến đến ngày 8/3 tới đây, những liều vắc xin Covid-19 đầu tiên sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra.
Theo đó, tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng hôm nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến đến ngày 8/3 tới đây những liều vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên sẽ bắt đầu được tiêm cho người dân nước ta.
Trước đó, vào hôm 24/2 hơn 117.000 liều vắc xin AstraZeneca đã về tới nước ta. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, sau những cuộc làm việc với phía nhà sản xuất tại Hàn Quốc thì đã có giấy kiểm định chất lượng lô vắc xin Covid-19 xuất xưởng. Sau đó, Bộ Y tế cũng đã giao một đơn vị kiểm nghiệm lô vắc xin này, đến nay đã đảm bảo điều kiện tiêm cho người dân nước ta.
Theo như kế hoạch, tới ngày 6/3, Bộ Y tế sẽ chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, tập huấn toàn tuyến trên toàn quốc trong vấn đề hướng dẫn tiếp nhận, sử dụng và bảo quản vắc xin cũng như xử lý tai biến sau tiêm vắc xin.
Dự kiến đến ngày 8/3, những liều vắc xin này sẽ được tiêm cho người dân nước ta theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước hết, vắc xin sẽ chỉ được triển khai tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, bao gồm: Những người trực tiếp tham gia quá trình điều trị bệnh nhân, những đối tượng theo Nghị quyết 21, những vùng dịch (tập trung cho 13 tỉnh, thành có dịch Covid-19, trong đó tập trung nhất cho tỉnh Hải Dương) do lượng vắc xin Covid-19 lần này quá ít so với nhu cầu thực tế.
Những người được tiêm chủng vắc xin sẽ được quản lý và theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, đồng thời sẽ có chứng nhận điện tử đã được tiêm vắc xin.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Phải khẳng định việc tiêm vắc xin Covid-19 không bảo đảm phòng bệnh 100%. Theo thông tin của nhà sản xuất thì vắc xin của Pfizer có hiệu quả bảo vệ trên 90%, vắc xin AstraZeneca có hiệu quả bảo vệ là 76% mũi 1 và 81% mũi 2.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng yêu cầu việc triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 phải bảo đảm nguyên tắc công bằng vắc xin của Liên Hợp Quốc, khẩn trương nhưng phải rất chắc chắn và đặc biệt phải thông tin đầy đủ cho người dân, chuẩn bị sẵn sàng xử lý các vấn đề phát sinh thực hiện tiêm chủng vắc xin.
Bên cạnh nguồn vắc xin Covid-19 đặt mua từ nước ngoài, hiện nước ta cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu phát triển vắc triển trong nước. Trong đó, vắc xin Nanocovax của Công ty Nanogen đã bước sang thử nghiệm giai đoạn 2, vắc xin Covivac của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế cho hiệu quả bước đầu rất tốt và chuẩn bị tiêm thử nghiệm giai đoạn 1 vào giữa tháng 3 này.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho hay, các công đoạn nghiên cứu vắc xin Covid-19 trong nước hiện vẫn đang theo đúng tiến độ. Dự kiến, đến năm 2022 tới, nước ta sẽ sản xuất được vắc xin.
Những ai được khuyến cáo không tiêm vắc xin Covid-19 này?
Những người có tiền sử như có phản ứng dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của vắc xin thì không nên tiêm.
Vắc xin Covid-19 của AstraZeneca không khuyến cáo dùng cho người dưới 18 tuổi, tuy nhiên còn phải chờ kết quả của các nghiên cứu tiếp theo.
Lô vắc xin Covid-19 này được sản xuất bởi AstraZeneca thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu. Để đảm bảo tiếp cận rộng rãi và bình đẳng với vắc xin, trong năm 2020, hãng AstraZeneca đã xây dựng hơn mười chuỗi cung ứng tầm khu vực, vận dụng năng lực của chính công ty và phối hợp với hơn 20 đối tác để đẩy mạnh quá trình sản xuất và cung ứng vắc xin Covid-19.
Vắc xin Covid-19 của AstraZeneca đã được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại hơn 50 quốc gia, WHO cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Covid-19 này nhằm đẩy nhanh quá trình tiếp cận vắc xin cho hơn 145 quốc gia thông qua COVAX Facility, hoạt động thu mua và cung ứng vắc xin trong cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa Covid-19.