Vì sao Việt Nam và Thụy Sỹ bị Mỹ 'gắn mác' thao túng tiền tệ?

Thứ sáu, 18/12/2020 | 17:06 Theo dõi CFĐT trên

Ngày 16/12, Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam và Thụy Sỹ vào danh sách những quốc gia có động thái thao túng tiền tệ. Bên cạnh đó, 10 quốc gia khác hiện đang nằm trong danh sách theo dõi của Bộ Tài chính Mỹ. Tuy nhiên, NHNN khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua chỉ để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh.

thao-tung-tien-te
Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ lên Việt Nam và Thụy Sỹ

Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ lên Việt Nam và Thụy Sỹ

Lý do của Mỹ đưa ra khi nhận định Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ là do trong 10 tháng đầu năm 2020, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt kỷ lục 50,7 tỷ USD, vượt qua mức thặng dư 47 tỷ USD của cả năm 2019. Trong khi đó theo quy định của Mỹ, một quốc gia khi có thặng dư thương mại song phương với Mỹ hơn 20 tỷ USD, can thiệp bằng ngoại tệ vượt quá 2% tổng sản phẩm quốc nội và thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu vượt quá 2% GDP sẽ bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ. Theo phía Mỹ, Việt Nam đã vượt quá cả 3 chỉ tiêu này.

Báo cáo tháng 12/2020 của Bộ Tài chính Mỹ cũng đưa vào danh sách giám sát 10 nền kinh tế, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ. Những nước này bị Mỹ đánh giá là có thể đã cố tình phá giá đồng tiền của nước mình so với đồng đôla.

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết Ấn Độ và Singapore đã can thiệp vào thị trường ngoại hối theo cách “bền vững, bất đối xứng” nhưng không đáp ứng các yêu cầu khác để đảm bảo được chỉ định là quốc gia thao túng tiền tệ.

Đáp lại những cáo buộc đến từ Phía Mỹ, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ cho biết họ vẫn sẵn sàng can thiệp mạnh hơn vào thị trường ngoại hối, cách tiếp cận chính sách tiền tệ của họ sẽ không thay đổi và quốc gia này hoàn toàn không thao túng tiền tệ của nước mình.

Về phía Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô  không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Thao túng tiền tệ là gì?

Theo thạc sĩ Trần Kim Long, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, trong giao dịch hàng hóa giữa hai quốc gia, tỉ giá có thể ảnh hưởng rất lớn đến cán cân thương mại song phương. 

Chẳng hạn nếu đồng nội tệ được định giá thấp hơn so với đồng ngoại tệ, khi đó đối với người nước ngoài, giá sản phẩm nhập khẩu sẽ rẻ hơn so với các sản phẩm trong nước, kích thích người dân mua hàng nhập.

Còn thao túng tiền tệ để chỉ một quốc gia cố tình can thiệp vào tỉ giá hối đoái để mang lại lợi ích về mặt thương mại. Thao túng tiền tệ có thể khiến quốc gia nhập khẩu phải chịu thâm hụt thương mại ngày càng lớn và khiến họ sẽ có các biện pháp phòng vệ.

xuat-nhap-khau
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tặng đến 24%.

Được biết, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cho đến tháng 10 năm 2020 ước đạt 439,82 tỉ USD, tăng nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt hơn 229 tỉ USD, tăng 4,7% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt trên 210 tỉ USD, tăng 0,4%. Trong đó tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong 10 tháng đạt 62,34 tỉ USD, tăng tới 24%.

Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Đồng thời giải thích rằng việc Việt Nam mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua là nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Kim Đan
Cafe Khởi nghiệp