Twitter và Instagram là 2 cái tên bị chặn truy cập bởi Chính phủ Myanmar sau Facebook.
Twitter và Instagram là 2 cái tên bị chặn truy cập bởi Chính phủ Myanmar sau Facebook.
Đại diện của Telenor, một hãng viễn thông từ Na Uy cho biết, các bên cung cấp dịch vụ Internet và di động của Myanmar đã nhận chỉ thị từ Chính phủ nước này chặn truy cập hai mạng xã hội nói trên từ 5/2 "cho tới khi có thông báo mới". Người sử dụng cho biết không thể truy cập Twitter lúc 22h (23h giờ Hà Nội), thậm chí không thể truy cập thông qua các dịch vụ VPN.
Bộ Thông tin và Truyền thông Myanmar vẫn chưa bình luận về thông tin trên, trước đó cơ quan này đã thông báo sẽ chặn Facebook cho tới 7/2 vì "sự ổn định" khi nhiều người "tung tin giả và sai lệch trên Facebook khiến dân chúng hiểu nhầm".
Sau khi không thể vào Facebook, nhiều người Myanmar chuyển sang sử dụng các trang mạng xã hội khác như Twitter để đăng nội dung phản đối việc quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và tiếp quản quyền lực, kêu gọi biểu tình.
Công cụ theo dõi các mã chủ đề (hashtag) trên Twitter là BrandMentions cho biết tính tới ngày 5/2, các mã chủ đề liên quan như #RespectOurVotes, #HearTheVoiceofMyanmar, và #SaveMyanmar đã có hàng trăm ngàn tương tác.
"Chúng tôi kêu gọi chính quyền khôi phục kết nối để người dân tại Myanmar có thể liên hệ với gia đình, bạn bè và tiếp cận những thông tin quan trọng", người phát ngôn Facebook nói. Một phát ngôn viên Twitter cũng cho biết hãng này "quan ngại sâu sắc về lệnh chặn các dịch vụ Internet của Myanmar" và sẽ vận động để chấm dứt điều này
Quân đội Myanmar ngày 2/2 cảnh báo dân chúng không đăng những "tin đồn trên mạng xã hội" có thể kích động "bạo loạn và gây bất ổn". Facebook cùng ngày xóa một trang liên quan đến mạng lưới truyền hình thuộc sở hữu của quân đội Myanmar.