Trong ba tháng đầu của năm 2021, số lượng lao động lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần đã tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong ba tháng đầu của năm 2021, số lượng lao động lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần đã tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố sáng 16/4, cả nước có hơn 226.500 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần; tăng hơn 46.400 người so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là đại dịch kéo dài hơn một năm, nhiều lao động nghỉ việc, mất việc. Một số tỉnh có số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng cao như Quảng Nam, Đà Nẵng...
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá: "Đây là tình trạng vô cùng đáng lo ngại". Việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần khiến người lao động tự đánh mất quyền lợi. Bên cạnh đó, việc họ rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội có thể sẽ khiến mạng lưới an sinh bị ảnh hưởng.
Theo tính toán của cơ quan bảo hiểm xã hội, nếu lĩnh bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau năm 2014. Không chỉ ảnh hưởng đến quyền lời trước mắt, nhận bảo hiểm xã hội một lần khiến người lao động sẽ mất đi cơ hội hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống của những người này lúc tuổi già.
Số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy giai đoạn 2016-2019, người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài Nhà nước, độ tuổi có số người nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhiều nhất là từ 26-29 tuổi và bình quân tuổi nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng dần từ 32,5 tuổi năm 2016 lên 33,3 tuổi năm 2019.
Tỷ lệ hưởng bảo hiểm xã hội một lần của nữ giới cao hơn nam giới, tương ứng giai đoạn 2016-2019 là 55,63% đối với nữ giới và 44,37% đối với nam giới.