Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cận Tết Nguyên Đán dự báo sẽ diễn biến phức tạp vì nhu cầu tiêu dùng hàng hoá của người dân thời điểm này tăng cao, Cục Quản lý thị trường (QLTT )- Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 17 về cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường thời điểm cuối năm 2020 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Theo đó, lực lượng QLTT sẽ cần tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, cần kiểm soát chặt chẽ các tuyến trọng điểm gần cửa khẩu, đường mòn, lối mở cùng với các khu vực tập kết hàng hóa gần với biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại và các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng hàng không.
Cần chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành nhằm tập trung triệt phá tận gốc đối với các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa thông qua biên giới và các cửa khẩu quốc tế nằm trên địa bàn.
Giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên Đán, yêu cầu lực lượng QLTT cả nước phải quyết liệt triển khai các kế hoạch thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ và kiểm tra nội bộ các chuyên đề về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020.
Theo Cục QLTT, trong giai đoạn này sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và cận Tết Nguyên Đán như thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát,hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, lương thực,xăng dầu, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật... Mục đích chính là không để xảy ra tình trạng đầu cơ, om hàng, tăng giá bất hợp lý và bảo đảm tính ổn định của thị trường nhằm phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Đồng thời đội QLTT tiếp tục kiểm tra, kiểm soát về công tác an toàn thực phẩm của các mặt hàng nông lâm, thủy sản, trong đó tập trung vào khu vực các siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm đường phố, các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh. Tập trung kiểm soát việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của các mặt hàng nhu yếu phẩm. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để trà trộn, lưu thông hàng giả, hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng.
Đơn vị QLTT cũng sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến. Nghiêm túc xử lý các hành vi vi phạm các sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu cũng như các sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm bình ổn thị trường…
Theo các số liệu thống kê, trong năm 2020, lực lượng QLTT đã phát hiện và xử lý hơn 83.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 241 tỷ đồng.