Theo thống kê từ Global Petrol Prices, vẫn còn có tới 29 quốc gia, vùng lãnh thổ có giá xăng thấp hơn Việt Nam.
Theo thống kê từ Global Petrol Prices, vẫn còn có tới 29 quốc gia, vùng lãnh thổ có giá xăng thấp hơn Việt Nam.
Trả lời những băn khoăn của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội sáng 22/10 liên quan đến vấn đề xăng dầu, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nói: “Giá xăng dầu của chúng ta thấp nhất trong khu vực và có thể nói thấp nhất trên thế giới. Trừ Malaysia trợ cấp trong nước thì không nói, còn người nước ngoài sống ở Malaysia vẫn phải mua giá của khu vực, cao hơn bình quân giá của chúng ta”.
Tuy nhiên, thực tế, theo tìm hiểu của Báo Giao thông, thống kê từ trang Global Petrol Prices (hơn 160 nền kinh tế) ngày 17/10 cho thấy, vẫn còn có tới 29 quốc gia, vùng lãnh thổ có giá xăng thấp hơn Việt Nam.
Cụ thể, Venezuela mới là quốc gia có giá xăng thấp nhất thế giới, với mức giá chỉ 0,016 USD/lít (khoảng gần 400 đồng/lít).
Trong khu vực Đông Nam Á, 2 quốc gia có giá xăng thấp hơn của Việt Nam là Malaysia và Indonesia, với mức giá lần lượt là 0,435 USD/lít (hơn 10.000 đồng/lít) và 0,918 USD/lít (hơn 21.500 đồng/lít).
Còn giá xăng của Việt Nam trong bảng thống kê của Global Petrol Prices là 0,932 USD/lít (khoảng hơn 23.100 đồng/lít), đứng thứ 30 trong số các nền kinh tế có giá xăng thấp nhất thế giới, Malaysia có giá xăng thấp thứ 9 thế giới...
Bên cạnh đó, thống kê từ Global Petrol Prices cũng cho thấy, Hồng Kông là vùng lãnh thổ có giá xăng đắt nhất thế giới là với mức giá là 2,942 USD/lít (tương đương hơn 73.000 đồng/lít), đắp gấp hơn 3 lần giá xăng của Việt Nam.
Ngoài ra, cũng có hàng chục quốc gia khác có giá xăng đắt gấp đôi giá xăng của Việt Nam và thuộc top đắt nhất thế giới.
Tuy nhiên, xét theo thu nhập bình quân đầu người thì những nước này cũng lại có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 10-20 lần Việt Nam như Anh, Đức, Singapore, Hà Lan, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Bỉ…Điều này cho thấy tỷ trọng giá so với thu nhập chưa hẳn đã thể hiện mức giá cao hơn Việt Nam.
Ngoài vấn đề về giá, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng: “Cho đến thời điểm này, khi dư luận cho rằng thiếu nguồn cung trong nước là hoàn toàn không chính xác. Chúng tôi có những cơ sở, số liệu, kiểm tra, đánh giá một cách rất chi tiết. Hàng ngày chúng tôi có lực lượng quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, kết hợp với Sở Công Thương kiểm soát từng địa bàn, nắm lượng hàng”.
Dù vậy, thực tế việc thiếu xăng dầu vẫn diễn ra ở hàng trăm cây xăng (thống kê của Bộ Công thương), ở một số thời điểm, thậm chí có cây xăng còn đóng cửa không bán vì tình trạng thua lỗ và đứt nguồn cung.
Trong khi, mỗi cây xăng phải có khoảng cách tối thiểu từ 1 km, lên tới 12km (đối với tuyến đường không có dải phân cách giữa) với cây xăng gần kề.
Như vậy, nếu một cây xăng hết hàng, dù là một số thời điểm thì người dân trong hàng km bán kính đó sẽ không mua được xăng.
Tình trạng nguồn cung và ổn định hệ thống xăng dầu cần được Bộ trưởng Bộ Công thương lưu tâm. Không chỉ là vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, mà bài toán trước mắt là đảm bảo sinh hoạt thường nhật của một bộ phần người dân.