Hải quan Trung Quốc thực hiện công tác giám sát hải quan tại cửa khẩu
Theo Tổng cục Hải quan, hiện nay, trên toàn tuyến biên giới đất liền của Việt Nam – Trung Quốc đã mở 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ, 37 lối mở biên giới. Trong đó, cửa khẩu quốc tế được mở cho người, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.
Cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng có chung cửa khẩu xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.
Cửa khẩu phụ được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng thuộc tỉnh biên giới hai bên xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.
Riêng lối mở biên giới (đường qua lại chợ biên giới, cặp chợ biên giới; điểm thông quan hàng hóa biên giới; đường qua lại tạm thời) được mở cho cư dân biên giới hai bên, phương tiện, hàng hóa của cư dân biên giới hai bên qua lại và các trường hợp khác nhằm thực hiện chính, sách thương mại biên giới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hoặc được mở trong trường hợp bất khả kháng hay yêu cầu đặc biệt của hai bên biên giới.
Liên quan đến vấn đề thủ tục hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK của Việt Nam và Trung Quốc đều thực hiện theo phương thức điện tử và phân luồng xanh, vàng, đỏ giống nhau.
Hải quan Trung Quốc thực hiện công tác giám sát hải quan tại cửa khẩu, lối mở, thực hiện các công tác giám sát tại hiện trường như giám sát phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, kiểm tra bảng kê hàng hóa; kiểm tra, giám sát, kiểm dịch, kiểm nghiệm giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm,...; kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động thương mại của cư dân biên giới; quản lý giám sát thương mại điện tử xuyên biên giới, hàng hóa chuyển phát nhanh; trong khi Hải quan Việt Nam chỉ thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa, các thủ tục liên quan đến kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm tra, quản lý chuyên ngành khác do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện.
Người khai hải quan phải nộp kết quả kiểm dịch của cơ quan kiểm dịch
Liên quan đến chính sách kiểm dịch, Tổng cục Hải quan cho biết, đối với hàng hóa nông sản, thủy sản, hoa quả của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, khi làm thủ tục hải quan, ngoài bộ hồ sơ theo quy định, người khai hải quan phải nộp kết quả kiểm dịch của cơ quan kiểm dịch để được thông quan lô hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, đối với hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc phải được cơ quan Hải quan Trung Quốc cấp xác nhận truy suất nguồn gốc (kiểm tra tại nguồn, cấp nhãn mác cho sản phẩm, dán tem truy suất,...). Ngoài một số quy định theo thông lệ quốc tế (kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa được vận chuyển trong container thường, xe chở container cũng như bao bì hàng hóa trên xe, các biện pháp kiểm dịch gồm: lấy mẫu hàng hóa nhập khẩu trong container để kiểm tra, xét nghiệm; tiến hành khử trùng công đoạn bốc dỡ hàng hóa trên container nhập khẩu; thực hiện phun khử trùng phòng dịch đối với container rỗng trong lúc lau dọn, bốc xếp hàng hóa), Trung Quốc cũng đưa ra một số yêu cầu riêng biệt hoặc siết chặt việc thực thi các quy định đã ban hành trước đây đối với nông thủy sản nhập khẩu như: chỉ định cửa khẩu nhập khẩu, xét nghiệm Covid -19, rút ngắn thời gian đóng – mở cửa khẩu,...
Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành lệnh số 248 ngày 12/04/2021 về “Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Công hòa nhân dân Trung Hoa” và lệnh số 249 ngày 14/4/2021 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu vào Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, các quy định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021 theo đó doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc phải chủ động trong kế hoạch kinh doanh, đáp ứng đúng các quy định kiểm soát của Trung Quốc như:nguồn gốc xuất xứ, bao bì nhãn mác, chất lượng hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn thương mại....