Trong 12 tháng vừa qua, lượng nguồn cung và thanh khoản của các dự án condotel và bất động sản ven biển đều lao dốc, tụt xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 5 năm.
Trong 12 tháng vừa qua, lượng nguồn cung và thanh khoản của các dự án condotel và bất động sản ven biển đều lao dốc, tụt xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 5 năm.
Theo số liệu mà DKRA Việt Nam vừa công bố, bức tranh toàn cảnh mô tả diễn biến thị trường căn hộ du lịch (condotel) và biệt thự ven biển là một màu xám suốt từ đầu năm 2020 cho đến nay.
Trong năm 2020, toàn bộ thị trường biệt thự biển chỉ chào bán tổng cộng 541 căn, giảm đến 79% so với năm 2019. Số lượng căn hộ bán được chỉ đạt khoảng 239 căn, cũng giảm đến 88% so với năm ngoái. Có thể thấy nguồn cung dự án và số lượng tiêu thụ biệt thự biển hiện đang thấp kỷ lục trong vòng 5 năm qua.
Cũng trong năm 2020, chỉ có tổng cộng 3 dự án condotel mới tung ra thị trường, tổng nguồn cung là 525 căn, giảm đến 95% so với năm trước. Thanh khoản condotel cũng giảm 96% so với 12 tháng qua.
Những thị trường bất động sản từng dẫn đầu về xây dựng và phát triển các dự án condotel như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Quốc... từ đầu năm 2020 đến nay đều không ghi nhận có dự án mới nào được mở bán, dẫn đến thanh khoản kém kỷ lục vì gần như không có giao dịch phát sinh.
Thị trường condotel và bất động sản ven biển trầm lắng kể từ khi Covid-19 bùng phát và kéo dài cho đến tận cuối năm 2020, bên cạnh đó ngành du lịch nghỉ dưỡng cũng đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng trầm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Các chuyên gia đã xác nhận rằng ngành nghỉ dưỡng đang phải hứng chịu những biến động lớn chưa từng có do tác động khó có thể đong đếm của đại dịch và cảnh báo thị trường khó có thể hồi phục ngay trong năm 2021.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính cho biết, lý do phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ven biển gần như đóng băng là do ảnh hưởng của dịch bệnh đến toàn nền kinh tế. Trong đó lĩnh vực du lịch và nghỉ dưỡng là lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề nhất, cùng với đó là khung pháp lý cho loại hình này vẫn chưa thực sự rõ ràng khiến cho tâm lý nhà đầu tư và khách hàng cảm thấy e ngại, mất niềm tin.
Trước những khó khăn này, nhiều nhà đầu tư đã chuyển sang đầu tư các dòng sản phẩm khác tại các khu vực ven đô thị lớn như Hà Nội là thành phố dẫn đầu ở khu vực phía Bắc. Các khu vực khác cũng đang có xu hướng này là các tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... tại các khu vực phía Nam là một số địa bàn giáp ranh với TP.HCM như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu hay Đồng Nai...
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng bất động sản ven biển và condotel vẫn còn nhiều tiềm năng để khai phá. Chuyên gia tài chính TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết " Các sản phẩm bất động sản ven biển vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, sự góp mặt của các nhà đầu tư bất động sản ven biển sẽ khiến hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nâng cấp từ đó kéo theo giá bất động sản ở các khu vực này tăng lên. Những trục trặc liên quan đến condotel rất có thể Nhà nước sẽ có thêm một số điều chỉnh liên quan, nhằm đảm bảo sự phát triển cho thị trường ổn định, lâu dài. Mặc dù thời điểm này đang khó khăn, nhưng về dài hạn tôi tin tưởng rằng bất động sản ven biển sẽ tiếp tục phát triển và dẫn dắt thị trường".