Đoàn thanh tra miền Trung của Bộ Công Thương phát hiện rất nhiều doanh nghiệp xăng dầu - để được trở thành thương nhân đầu mối, xuất nhập khẩu xăng dầu đã có hành vi gian dối trong việc công bố số lượng đại lý, tổng đại lý, hoặc cửa hàng bán lẻ.
Đoàn thanh tra miền Trung của Bộ Công Thương phát hiện rất nhiều doanh nghiệp xăng dầu - để được trở thành thương nhân đầu mối, xuất nhập khẩu xăng dầu đã có hành vi gian dối trong việc công bố số lượng đại lý, tổng đại lý, hoặc cửa hàng bán lẻ.
Thanh tra 1 doanh nghiệp, phát hiện nhiều vi phạm
Theo quy định của Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, một trong những điều kiện để trở thành thương nhân đầu mối được quyền xuất nhập khẩu xăng dầu là doanh nghiệp phải có tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ (trong đó ít nhất 5 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp); tối thiếu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ, hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Lao Động, khi đoàn thanh tra của Bộ Công Thương đi kiểm tra, giám sát tại các doanh nghiệp đầu mối về kinh doanh xăng dầu ở miền Trung, có nhiều thương nhân không đáp ứng được điều kiện này, thậm chí gian dối để có đủ số đại lý, cửa hàng nhằm đạt tiêu chí hệ thống phân phối.
Cụ thể, đối với Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hưng Phát, kết luận thanh tra chỉ rõ, doanh nghiệp này chưa đáp ứng điều kiện "có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tiếp nhận được tàu chở xăng dầu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác có trọng tải tối thiểu 7.000 tấn thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng 5 năm trở lên".
Đáng chú ý, công ty này có 7 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu, nhưng không có tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của công ty.
Từ đó, kết luận thanh tra nhấn mạnh "Công ty Hưng Phát không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu được quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ", đồng thời nêu rõ Công ty Hưng Phát "không thực hiện đăng ký hệ thống phân phối xăng dầu định kỳ theo quy định".
Ngoài ra, khi kiểm tra, đoàn kiểm tra về điều kiện kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương còn phát hiện Công ty Hưng Phát mua xăng dầu từ 2 công ty con của thương nhân đầu mối và 1 chi nhánh công ty con của thương nhân đầu mối là Công ty CP xăng dầu dầu khí Vũng Áng, Công ty CP xăng dầu dầu khí Thừa Thiên Huế, Chi nhánh Công ty CP Xăng dầu dầu khí PVOIL miền Trung tại Thừa Thiên Huế).
Hai công ty con này "không phải thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không phải thương nhân phân phối xăng dầu. Việc các công ty này bán xăng dầu cho Công ty Hưng Phát là không phù hợp với quy định tại Nghị định 83".
Công ty Hưng Phát cũng không thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng và hoạt động kinh doanh xăng dầu của tổng đại lý, đại lý trong hệ thống phân phối của mình.
Từ những vi phạm trên, đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt với những hành vi như sau: "Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định"; "Không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định"; "Không đáp ứng điều kiện về cầu cảng chuyên dụng để tiếp nhận tàu chở xăng dầu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu theo quy định".
Đồng thời đoàn thanh tra cũng giao Tổng cục QLTT chỉ đạo các cục QLTT và các cơ quan có liên quan trên địa bàn tiến hành rà soát, thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu đối với các thương nhân kinh doanh xăng dầu và các doanh nghiệp có hoạt động mua bán xăng dầu của Công ty Hưng Phát có dấu hiệu vi phạm được nêu tại kết luận thanh tra.
Gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối
Doanh nghiệp tư nhân Ánh Sáng dù được Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hoà Khánh đăng ký là hệ thống phân phối, nhưng lại không cung cấp được giấy chứng nhận thể hiện thương nhân cung cấp xăng dầu là Công ty Hoà Khánh.
Trong khi đó, dù Công ty Hoà Khánh có hợp đồng đại lý với doanh nghiệp tư nhân Ánh Sáng nhưng lại không có phát sinh giao dịch mua bán xăng dầu.
Công ty Vân Xuân dù cũng được kê là đại lý, song trong kỳ thanh tra (từ 1.2021 đến đầu tháng 2.2022), cơ quan chức năng không ghi nhận được giao dịch nào giữa doanh nghiệp này với Công ty Hoà Khánh mà Công ty Vân Xuân lại lấy hàng từ Công ty Xăng dầu Quân đội KV2.
Một trường hợp gian dối khác là Công ty Hoà Khánh khẳng định Công ty TNHH và DV Hương An (Thừa Thiên – Huế) là đại lý, nhưng qua xác minh, công ty này đã ngừng hoạt động từ 4.2021, Công ty Hoà Khánh không thực hiện đăng ký điều chỉnh hệ thống phân phối.
Do đó, Đoàn Thanh tra nhấn mạnh "đủ cơ sở xác định Công ty Hoà Khánh đã có hành vi gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối với Bộ Công Thương".
Tại Công ty Xuyên Việt Oil là trường hợp với đại lý Công ty Đại Đồng Xuân. Theo đó, vào tháng 11.2021, Xuyên Việt Oil đã có văn bản huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần nhưng vẫn thực hiện đăng ký hệ thống đại lý và hệ thống phân phối của Công ty cho Công ty Đại Đồng Xuân.
"Điều này là không đúng quy định", đoàn thanh tra khẳng định, đồng thời kết luận Công ty Xuyên Việt chưa đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (có tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý hoặc thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu).
Bên cạnh đó, năm 2021, đầu mối này cũng không đăng ký hệ thống phân phối xăng dầu định kỳ với cơ quan quản lý.